Sáng 21-7, tại TP Cần Thơ, Sở Giao thông Vận tải TP HCM và Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ tổ chức tọa đàm về các dự án kết nối TP HCM và ĐBSCL.
Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM phát biểu tại buổi toạ đàm
Tại đây, đại diện liên danh tư vấn của dự án tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ là Công ty CP Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam (TEDI South), Công ty CP Tư vấn đầu tư và Xây dựng giao thông vận tải (TRICC) và Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - CTCP (TEDI) cho biết dự án này do Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 220.000 tỉ đồng.
Tuyến đường sắt có điểm đầu tại ga An Bình (phường An Bình, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương), điểm cuối tại ga Cần Thơ (phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ). Tổng chiều dài toàn tuyến là 175,2 km với 13 ga toàn tuyến. Địa điểm dự án qua địa phận 6 tỉnh, thành phố, gồm: Bình Dương, TP HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ.
Các thông số kỹ thuật chính của dự án: đường sắt theo tiêu chuẩn đường đôi, khổ 1.435 mm, sức kéo điện, tàu khách có tốc độ tối đa là 200 km/h, tàu hàng 120 km/h. Công nghệ được lựa chọn cho tuyến đường sắt này là đoàn tàu động lực phân tán cho tàu khách, đoàn tàu động lực tập trung cho tàu hàng.
Vị trí hướng, tuyến của dự án
Cũng theo đại diện liên danh tư vấn, tiến độ dự án hiện nay đã hoàn thành báo cáo cuối kỳ, Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến các địa phương hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến xong trong năm nay.
Quang cảnh buổi toạ đàm
Sau đó trình cấp thẩm quyền quyết định trong năm 2024 và hoàn thiện trình Thủ tướng, Quốc hội trong năm 2025; xem xét thông qua chủ trương đầu tư dự án, khởi công trước năm 2030, hoàn thành dự án trước năm 2035.
Sơ đồ các ga đầu mối của tuyến đường sắt
Để thúc đẩy dự án sớm triển khai, đại diện liên danh tư vấn đề nghị các địa phương sớm có ý kiến về hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Theo chủ đầu tư, kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy việc đầu tư tuyến đường sắt TP HCM – Cần Thơ là rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, đảm bảo phát triển hài hòa, bền vững giao thông vận tải. Đồng thời, tái cấu trúc đô thị và phân bổ dân cư, lao động trên hành lang TP HCM – Cần Thơ, thúc đẩy năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Bình luận (0)