Theo đó, số tiền gần 100 nghìn tỷ đồng, không tính gần 10 nghìn tỷ đồng đặt cọc (484 triệu USD) đã được chuyển vào tài khoản bị phong tỏa của Sabeco.
Tổ chức thanh toán trọn lô 53,59% cổ phần Sabeco mà không bị giới hạn room chính Công ty TNHH Vietnam Beverage, công ty gây xôn xao dư luận thời gian gần đây do mới thành lập tháng 10/2017 tại Hà Nội với vốn điều lệ 681 tỉ đồng. Đây là công ty hoạt động trong lĩnh vực tư vấn quản lý (không bao gồm tư vấn pháp luật, tài chính, kế toán, kiểm toán, thuế và chứng khoán), lập trình máy tính, tư vấn máy tính và quản trị hệ thống máy tính.
Công ty TNHH Vietnam Beverage bỏ gần 110 nghìn tỷ đồng mua trọn lô 53,59% cổ phần Sabeco mà không bị giới hạn room. Ảnh minh họa
Vietnam Beverage cũng chính là công ty gây chú ý dư luận do có tỷ lệ sở hữu khá rắc rối. Cụ thể, công ty này đang được Công ty CP Đầu tư F&B Alliance Việt Nam sở hữu 100%. Trong đó, một nhà đầu tư nước ngoài có tên Beerco Limited lại sở hữu 49% F&B Alliance Việt Nam. Beerco Limited lại là công ty được sở hữu 100% bởi Thai Beverage - tập đoàn đồ uống Thái Lan thuộc sở hữu của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi có trụ sở tại Hồng Kông – Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, trường hợp Vietnam Beverage mua thành công toàn bộ cổ phần nhà nước bán ra tại Sabeco trong ngày bán đấu giá hôm 18/12, đồng nghĩa các doanh nghiệp Thái Lan đã gián tiếp sở hữu và có quyền chi phối hoạt động của Sabeco và thâu tóm thành công một thương hiệu có mạng lưới phân phối và hoạt động hiệu quả nhất trong ngành bia rượu tại Việt Nam.
Tại phiên đấu giá cổ phần Sabeco, tổng số lượng cổ phần chào bán cạnh tranh được bán cho Công ty TNHH Vietnam Beverage là 343.662.587 cổ phần với mức giá 320.500 đồng/cổ phần. Nhà đầu tư cá nhân Ngô Vinh Hiển cũng mua 20.000 cổ phần với giá bình quân 320.000 đồng/cổ phần.
Theo Cục trưởng Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, ông Đặng Quyết Tiến, số tiền gần 110.000 tỷ đồng thu từ bán cổ phần Sabeco sẽ được chuyển về Quỹ cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, có tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước. Như vậy, tiền thu được từ bán cổ phần Sabeco sẽ nộp về ngân sách Nhà nước.
Theo ông Tiến, việc thoái vốn vừa qua ở Sabeco hay Vinamilk và các DN khác trước đó đều để tạo nguồn cho việc chi đầu tư các dự án theo Nghị quyết của Quốc hội. Danh mục đầu tư cho các dự án trung hạn đều đã có địa chỉ rõ ràng. Việc chi tiêu cũng được hạch toán rõ ràng, hằng năm được kiểm toán đầy đủ. Số tiền này cũng được Quốc hội giám sát.
Ngoài ra, tiền lãi thu được từ các thương vụ sẽ được hoàn lại Quỹ cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước. Quỹ không chỉ tạo nguồn cân đối ngân sách đầu tư mà còn có nhiệm vụ chi giải quyết vấn đề lao động dôi dư sau cổ phần hoá.
Liên quan đến tính pháp lý của việc tỷ phú Thái Lan mua bán cổ phần Sabeco thông qua việc để một công ty đại diện ở Việt Nam đứng tên mua bán cổ phần, Cục trưởng Tài chính doanh nghiệp cho rằng, Chính phủ không nắm cổ phần các lĩnh vực kinh doanh như bia, sữa, mà sẽ thoái hết vốn.
“Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài vào thành lập công ty ở Việt Nam, có vốn nước ngoài 49%, thì theo Luật Đầu tư được đối xử như nhà đầu tư Việt Nam”, ông Tiến phân tích.
Cũng theo Cục trưởng Tài chính doanh nghiệp, thương vụ tỷ phú Thái mua Sabeco có cơ chế đấu giá, có chính sách pháp luật cụ thể, nhà đầu tư đảm bảo đúng cơ chế, đúng pháp luật Việt Nam. Ngoài ra, các bộ Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Công an đều có ý kiến thẩm tra cho rằng phù hợp với pháp luật Việt Nam.
“Năm 2018, sẽ thực hiện thoái vốn tại một số doanh nghiệp có quy mô lớn như PVN, Nhà máy lọc dầu Bình Sơn, Tổng công ty điện lực dầu khí (PV Power), PVoil, các công ty của Tập đoàn Cao su… Tuy nhiên, năm 2018 sẽ không dồn dập mà làm dần dần, ổn định, chứ không no dồn, đói góp như năm 2017. Về Sabeco, tới thời điểm thích hợp sẽ bán nốt 36% cổ phần còn lại. Sau đó, sẽ tính toán tiếp tục chào bán cổ phần của Habeco”, Cục trưởng Đặng Quyết Tiến cho biết thêm.
Bình luận (0)