Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 8-2017, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ chỉ đạt 18,44 triệu USD, giảm 58,5% so với tháng 7 và giảm gần 55% so với cùng kỳ năm 2016. Trước tình hình xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ giảm mạnh, Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương rà soát tình hình và có giải pháp ứng phó kịp thời, khẩn trương xử lý các kiến nghị của VASEP theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10-10.
Đúng như dự báo
Nguyên nhân sản lượng cá tra xuất khẩu sang Mỹ ngày càng giảm đã được người nuôi, doanh nghiệp (DN) và các chuyên gia thủy sản dự báo từ trước. Bởi lẽ, từ giữa tháng 9-2017, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã có thông báo về quyết định sơ bộ thuế chống bán phá giá của đợt xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13) đối với mặt hàng cá tra phi-lê đông lạnh từ Việt Nam, giai đoạn từ ngày 1-8-2015 đến 31-7-2016.
Cá tra xuất khẩu sang Mỹ ngày càng khó do nhiều rào cản kỹ thuật Ảnh: NGỌC TRINH
Ngoài ra, từ ngày 1-8, 100% lô hàng cá tra vào Mỹ đã bị kiểm tra, tập trung 3 vấn đề là nhãn mác, thông số ghi trên bao bì và dư lượng hóa chất. Đặc biệt, Đạo luật Nông trại (Farm Bill) của Mỹ về việc xác định các điều kiện tương đương nhau được thực thi sớm hơn dự kiến đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng xuất khẩu của các DN chế biến cá tra Việt Nam.
Tại hội nghị về cá tra được tổ chức ở TP Cần Thơ mới đây, ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Cần Thơ, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2017, cá tra Việt Nam xuất sang Trung Quốc bất ngờ tăng đến 46%, trong khi thị trường Mỹ lại giảm 5,7%. Con số này cho thấy chỉ trong 2 năm trở lại đây, từ 10%, thị trường Trung Quốc vọt lên chiếm khoảng 20,5% thị phần xuất khẩu cá tra của Việt Nam, thị trường Mỹ chiếm khoảng 21%-22%. Với đà này, đến cuối năm 2017, dự báo thị trường Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ.
"Nếu được công nhận sự tương đương tiêu chuẩn giữa Việt Nam với Mỹ thì xuất khẩu cá tra vào đây vẫn ổn định, thậm chí có thể tăng. Tuy nhiên, để được Mỹ công nhận tương đương thì khó như lên trời" - ông Dũng cảnh báo.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA), cho rằng Farm Bill và thuế chống bán phá giá là cản trở lớn khiến cá tra của Việt Nam vào thị trường Mỹ sụt giảm. Theo ông Quốc, Cục Kiểm tra và An toàn thực phẩm (FSIS) - Bộ Nông nghiệp Mỹ bắt đầu kiểm soát nghiêm ngặt cá tra nhập khẩu về con giống, thức ăn, dư lượng kháng sinh…
Cần củng cố trong nước
Cũng như VINAPA, VASEP nhận định từ nay tới cuối năm 2017, sản lượng xuất khẩu cá tra sang Mỹ sẽ tiếp tục giảm.
Tuy nhiên, chiều 6-10, ông Nguyễn Hữu Nguyên, Chủ nhiệm HTX Thủy sản Châu Phú (tỉnh An Giang), cho rằng từ trước đến nay, với thị trường châu Âu và Mỹ, cá tra của Việt Nam đều đáp ứng các tiêu chuẩn. Thế nhưng, đây là hơn mười lần, phía Mỹ áp chống bán phá giá đối với cá tra Việt Nam. Vì thế, nếu Mỹ tiếp tục "bày" ra những rào cản mới thì cá tra Việt Nam nên tìm thị trường khác. "Không nên quá bi quan với thị trường Mỹ. Điều quan trọng là chúng ta đừng để cung vượt cầu trong chăn nuôi. Sản lượng mới là vấn đề mấu chốt quyết định giá cá tra chứ thị trường không quyết định nhiều" - ông Nguyên khẳng định.
Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản tỉnh An Giang (AFA), cho biết hiện nay, DN nuôi cá tra chiếm đến 70%-80%. Vì thế, về chất lượng và giá cả, DN đã chủ động. Trong khi đó, nông dân hiện chủ yếu nuôi gia công hoặc liên kết, rất ít hộ nuôi lẻ. Để ổn định giá cá tra xuất khẩu thì phải ổn định giá đầu vào. Trước đây, chúng ta đề xuất phải có giá sàn xuất khẩu nhưng sau đó cho rằng không hợp lý. Bây giờ, giá sàn nguyên liệu thì tự DN cân đối.
Vừa rồi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho An Giang làm chuỗi liên kết con giống 3 cấp (giống cá bột cung cấp cho các trại giống; tỉnh giao cho các đơn vị giám sát trại giống; nông dân có trách nhiệm nhận cá bột từ các trại giống và thức ăn từ các DN đầu tư) nên đầu vào về con giống và thức ăn đã khá ổn định. Trên cơ sở đó, tình trạng cạnh tranh phá giá sẽ không còn. Bởi lẽ, DN nào cũng biết rõ giá thành đầu vào, không thể bán vô tội vạ được. Còn trước đây, giá cả muốn lên hay xuống đều do DN quyết định, người nuôi không chủ động được. Vì thế, tình trạng bán phá giá xảy ra, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh.
Về thị trường Mỹ, ông Bình cho rằng thực ra không giảm nhiều. Theo thống kê, thị trường Mỹ lúc nào cũng chiếm trên 20%. Do Mỹ muốn khống chế sản lượng nhập khẩu nên đưa ra thuế chống bán phá giá. "Hàng rào trước đây thưa, bây giờ phía Mỹ rào dày hơn để khống chế sản lượng cá tra nhập khẩu" - ông Bình ví von.
Theo ông Bình, chỉ nên xác định thị trường Mỹ là cơ bản, làm nền cho các thị trường khác. Không nên tập trung vào thị trường này. Trước đây, cũng nhờ gặp khủng hoảng ở thị trường Mỹ, cá tra mới "bung" ra được nhiều nước. Bây giờ cũng vậy, thị trường Trung Quốc đang nổi lên sau khi Mỹ đưa ra hàng loạt rào cản mới.
"Quan trọng là chúng ta phải giữ chất lượng, đừng bán phá giá qua Trung Quốc như thị trường Mỹ trước đây. Đây mới là việc cần làm. Còn thị trường Mỹ thì cứ bán đúng giá, không cần bán nhiều. Đây là cơ hội để chúng ta ổn định về chất lượng lẫn sản lượng cá tra" - ông Bình đề xuất.
Bình luận (0)