xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ứng phó với hàng rào phi thuế quan (*): Chủ động thích ứng

NGỌC ÁNH - PHƯƠNG NHUNG

Cần đối mặt với những rào cản từ hàng rào phi thuế quan bằng tâm thế chủ động, thay đổi phương thức sản xuất và trang bị về mặt pháp lý

Là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, gạo phải đáp ứng tiêu chuẩn rất khác nhau ở từng thị trường. PGS-TS Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Định Thành (thuộc Tập đoàn Lộc Trời), người có nhiều năm nghiên cứu và làm việc trong ngành gạo, nhìn nhận điểm mấu chốt để gạo Việt Nam xuất khẩu được là phải có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật dưới mức tối đa (MRLs) quy định của các quốc gia nhập khẩu.

Sản xuất theo nhu cầu thị trường

"Với một hoạt chất dùng để trừ bệnh trên lúa, châu Âu (EU) quy định MRLs là 0,01 ppm nhưng Nhật Bản lại cho phép đến 5 ppm (gấp 500 lần). Hay, tiêu chuẩn của một hoạt chất thuốc trừ sâu của Việt Nam gấp 140 lần EU. Do đó, hàng xuất khẩu tới từng thị trường phải được sản xuất phù hợp. EU cho ngưỡng hoạt chất A quá ngặt nghèo thì khi canh tác phải có giải pháp thay thế bằng chất khác mà EU quy định ngưỡng cao hơn hoặc chuyển sang thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Thuốc này hiệu quả thấp, chỉ khoảng 70% sẽ kéo theo năng suất thấp nhưng khi bán lúa giá cao hơn sẽ bù lại" - ông Chín dẫn chứng.

Với kinh nghiệm về canh tác cánh đồng mẫu lớn, Tập đoàn Lộc Trời "xoay trục" sang sản xuất theo đơn đặt hàng thay vì đảm nhận cả chuỗi từ sản xuất đến bán lẻ. Theo đó, các đối tác có thể đặt hàng cho doanh nghiệp (DN) kèm yêu cầu về tiêu chuẩn nào (EU, Mỹ, Nhật…), giống gì, số lượng và thời gian nhận lúa… Lộc Trời sẽ tổ chức sản xuất và chịu trách nhiệm về lúa đáp ứng được tiêu chuẩn thị trường.

Theo TS Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, các quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật (biện pháp SPS) nhằm hướng tới mục tiêu bảo vệ sức khỏe con người và động, thực vật khỏi những nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh qua đường thương mại quốc tế. Nâng cao chất lượng hàng nông sản không chỉ là mục tiêu riêng của EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… mà của tất cả các thị trường. Do đó, ông Nam cho rằng không nên dùng thuật ngữ "hàng rào kỹ thuật" để chỉ các quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật bởi thuật ngữ này dễ dẫn đến suy nghĩ nước lớn "làm khó", tạo "rào cản" cho thương mại nông sản. Thay vào đó, nên nói chính xác là các thị trường nhập khẩu có xu hướng nâng cao "tiêu chuẩn chất lượng" hàng nông sản. "Để tuân thủ nguyên tắc công bằng, những biện pháp SPS được áp dụng với tất cả hàng hóa từ các quốc gia nhập khẩu vào nước họ, không riêng Việt Nam. Thực tế, nước nhập khẩu nông sản chấp nhận mua hàng giá cao thì việc họ yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng và việc tuân thủ biện pháp SPS là tất yếu" - TS Nam nhìn nhận.

TS Nam cũng cho biết hằng tháng, Văn phòng SPS Việt Nam nhận được từ 60-100 thông báo mới hoặc thay đổi biện pháp SPS từ các quốc gia thành viên WTO với xu hướng tiêu chuẩn ngày càng nâng cao. Tuy vậy, không phải sự thay đổi biện pháp SPS nào cũng có thể áp dụng ngay vào thực tiễn mà cần thiết phải đàm phán với các bên liên quan để tháo gỡ và không làm cản trở thương mại quốc tế. "Theo quy định, mỗi quốc gia khi ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung quy định phải thông báo dự thảo quy định tới Ban Thư ký WTO để lấy ý kiến góp ý của các quốc gia thành viên trong vòng 60 ngày trước khi ban hành văn bản. Hết hạn thông báo mà không có ý kiến góp ý hoặc phản đối thì mặc định được thông qua và sẽ được ban hành. Đây là một trong những quy định thể hiện tính minh bạch của WTO" - ông Nam cho hay.

Ứng phó với hàng rào phi thuế quan (*): Chủ động thích ứng - Ảnh 1.

Một số mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam đã tránh được các vụ kiện lẩn tránh thuế của Mỹ. Ảnh: PHƯƠNG NHUNG

Dự phòng kế hoạch bị kiện

Đối với phòng vệ thương mại (PVTM), bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), lưu ý DN bổ sung vấn đề rủi ro kiện PVTM vào kế hoạch sản xuất kinh doanh để có thể chủ động ứng phó. Bởi vì, nguy cơ bị kiện có ở bất kỳ đâu với rất nhiều lý do chứ không chỉ bởi hàng hóa Việt bán phá giá hay được trợ cấp. "Còn nhớ, lần đầu tiên Việt Nam bị kiện chống bán phá giá cá tra ở Mỹ, phản ứng đầu tiên của các DN là "kêu oan". Sau đó, phải thông qua rất nhiều con đường như ngoại giao hoặc truyền thông, chúng ta mới có thể làm rõ được thông tin. Nhưng bây giờ, chúng ta đã hiểu ra đây là cuộc chiến về mặt kỹ thuật và phải có những số liệu, bằng chứng kỹ thuật để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình" - bà Trang lưu ý.

Theo bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục PVTM - Bộ Công Thương, theo đuổi các vụ kháng kiện rất vất vả nên để đạt được kết quả tốt, DN phải nỗ lực cố gắng cùng cơ quan chức năng. "Có những vụ nước ngoài kiện về trợ cấp, riêng bảng hỏi chúng tôi nhận được đã 500 trang thì phần trả lời kèm theo các phụ lục rất nhiều. Có vụ kiện hàng túi dệt tại Mỹ, sau khi phía Mỹ nhận được câu trả lời văn bản, họ sang Việt Nam vào máy tính để kiểm tra, so sánh bản gốc. Khi chúng tôi nhờ hải quan tỉnh hỗ trợ cung cấp hồ sơ hải quan gốc, họ phải chở một container hồ sơ đến. Kế toán của các DN tham gia vụ kiện thường phải làm việc xuyên đêm hết sức vất vả" - bà Giang dẫn chứng hàng loạt khó khăn.

Ông Lê Anh Văn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực - Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, chỉ ra nhiều DN Việt Nam chưa có bộ phận phụ trách pháp lý, dù bộ phận này đóng vai trò rất quan trọng. Ngoài ra, DN Việt cũng chưa liên kết hoặc đặt hàng các dịch vụ tư vấn của luật sư để hỗ trợ mình về mặt pháp lý liên quan đến thu thập nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, hóa đơn chứng từ trong quá trình sản xuất cũng như nâng cao trình độ quản trị… Chưa kể, việc chủ động nghiên cứu thông lệ, thực tiễn xử lý các vụ kiện thương mại để rút kinh nghiệm cho mình và có biện pháp ứng phó cũng chưa được DN thực hiện tốt. Chỉ khi làm được những việc trên, DN mới có thể phòng ngừa rủi ro khi vụ kiện PVTM xảy ra.

Theo ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, song song với việc phải chấp nhận "cuộc chơi" khi đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa thì DN phải có sự chuyển đổi để thích ứng. Theo đó, DN cần nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư vào công nghệ mới, công nghệ hiện đại để tăng giá trị sản phẩm, tăng cường chuỗi giá trị từ khâu nguyên liệu đến hoàn thành sản phẩm. Đặc biệt, cần quản lý chi phí hiệu quả bởi cạnh tranh về chi phí và chứng minh được điều đó thì DN mới có thể bước ra thị trường với tâm thế sẵn sàng đối mặt với các vấn đề pháp lý.

Nhà nước tháo gỡ nhiều vướng mắc

Một quy định khá chặt chẽ của phía Mỹ đối với trái cây nhập khẩu Việt Nam là phải có chuyên gia Mỹ tại Việt Nam làm nhiệm vụ kiểm dịch thực vật trước khi xuất khẩu. Trong bối cảnh dịch Covid-19, Mỹ đã triệu hồi chuyên gia về nước. Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã đàm phán để chuyên gia kiểm dịch thực vật Mỹ quay trở lại Việt Nam làm việc bằng chuyên cơ riêng vào tháng 9, giúp xuất khẩu không bị gián đoạn lâu.

Mới đây, một DN thủy sản ở Đồng Tháp gặp vướng mắc ở thị trường Honduras (Trung Mỹ), nơi DN có hợp đồng xuất khẩu 60 tấn/tháng, thậm chí đứng trước nguy cơ không thể thông quan hàng hóa. Nguyên nhân là do DN chưa được xác nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm để được nhập khẩu vào thị trường này. Để tháo gỡ cho DN, Văn phòng SPS Việt Nam đã nhanh chóng tổng hợp câu trả lời của Tổng cục Thủy sản, Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Cục Thú y liên quan đến bảng hỏi của Honduras kịp thời. Kết quả DN tiếp tục được xuất khẩu hàng hóa.

Thoát án kiện phòng vệ

Theo Bộ Công Thương, công tác kháng kiện, hỗ trợ các ngành sản xuất, xuất khẩu ứng phó với các biện pháp PVTM của nước ngoài thu được kết quả tích cực với 65/151 vụ việc đã kết thúc điều tra, chiếm tỉ lệ khoảng 43%. Nhiều mặt hàng mặc dù bị áp dụng biện pháp PVTM nhưng DN chỉ bị áp mức thuế 0% hoặc rất thấp, giúp duy trì và tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt sang các thị trường lớn như: Mỹ, EU, Canada...

Cách đây vài hôm, Bộ Công Thương thông báo sau quá trình điều tra từ tháng 11-2019, Canada kết luận Việt Nam không trợ cấp cho DN sản xuất, xuất khẩu thép chống ăn mòn (COR) nên không áp thuế chống trợ cấp với mặt hàng thép này từ Việt Nam. Bên cạnh đó, Canada cũng điều chỉnh giảm thuế chống bán phá giá đáng kể từ 36,3%-91,8% trong giai đoạn sơ bộ xuống còn 2,3%-16,2% trong kết luận cuối cùng. Cuối năm ngoái, một số mặt hàng thép Việt Nam bị Mỹ đánh thuế lẩn tránh thuế chống bán phá giá 456% nhưng sau đó, nhiều DN hợp tác trong quá trình điều tra đã không bị áp thuế.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ 19-10

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo