Lãnh đạo NH Nhà nước còn thông báo không dừng lại ở gói 50.000 tỉ đồng mà hiện một số NH thương mại khác cũng đã báo cáo lên NH Nhà nước sẽ cho vay đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS) trong năm nay một gói tín dụng 70.000 tỉ đồng. Đây không phải gói tín dụng ưu đãi lãi suất, vốn ngân sách mà do các NH thương mại chủ động phối hợp nhằm góp phần phá tảng băng BĐS.
Trước đó, tháng 6-2013, một gói tín dụng 30.000 tỉ đồng cho vay lãi suất ưu đãi từ ngân sách cũng đã được tung ra để hỗ trợ người dân mua nhà và DN BĐS xây dựng nhà ở xã hội.
Không thể phủ nhận tầm quan trọng của thị trường BĐS đối với nền kinh tế, nhất là ở Việt Nam.Tuy nhiên, nếu nhìn sang các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác, hẳn không ít DN phải “tủi thân” bởi dù nhà nước liên tục yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi về vốn, lãi suất nhưng chưa có gói tín dụng nào ra đời để hỗ trợ họ.
Đơn cử, trong các DN vừa và nhỏ, DN ngành công nghiệp phụ trợ thuộc nhóm 5 lĩnh vực ưu tiên, không ít ông chủ than vẫn phải vay với lãi suất cao, rất khó tiếp cận vốn và cũng không thấy NH thương mại liên kết để tạo ra gói tín dụng như đối với BĐS. Đến nay, dù lãi suất không còn là vấn đề hàng đầu của DN nhưng chi phí lãi vay vẫn chiếm tỉ lệ khá cao trong tổng chi phí của DN sản xuất và quá cao so với mặt bằng chung các nước trong khu vực.
Trong bối cảnh tín dụng tăng thấp, việc tung vốn cho vay BĐS để hồi phục thị trường cũng là một cách nhưng không ít vấn đề đặt ra. Đằng sau sự “ưu ái” này phải chăng vì nhiều NH thương mại cũng đang “mắc kẹt” trong các dự án BĐS nên bơm vốn vào để “cứu mình”? Các DN trong ngành BĐS còn đặt vấn đề: Ai sẽ là đối tượng được vay vốn của gói tín dụng 50.000 tỉ đồng - công ty sân sau, công ty con hay DN có nợ xấu? Và ai sẽ là đối tượng thật sự được “giải cứu”?
Bình luận (0)