Nhiều vấn đề về phát triển kinh tế năm 2011 và định hướng nền kinh tế giai đoạn 2011-2015 đã được các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học đưa ra mổ xẻ tại các hội thảo, hội nghị gần đây.
Cơ cấu bất ổn
TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng căn bệnh nghiện dự án, thèm đầu tư nhưng đói tài nguyên đang trở nên trầm trọng trong nền kinh tế. Tỉnh nào cũng có nhà máy xi măng, nhà máy đường, cảng biển, khu kinh tế… Vào lúc các dự án sân golf mọc như nấm chưa hết nóng, các tỉnh lại đua nhau lập dự án xây sân bay! Hàng trăm khu công nghiệp, khu đô thị mới đã biến một bộ phận rất lớn đất nông nghiệp thành đất hoang, gây sức ép nặng nề lên nông nghiệp và nông dân. Hiện nền kinh tế đang phải gồng gánh cho chính các khu kinh tế, khu công nghiệp này.
TPHCM đầu tư xây dựng nhiều cảng nhưng chưa khai thác hết công suất.
Trong ảnh: Hàng hóa nhập khẩu qua cảng Sài Gòn. Ảnh: Hồng Thúy
Nhiều chuyên gia nhìn nhận, trong 10 năm qua, nền kinh tế của ta có tốc độ tăng trưởng khá so với nhiều nước nhưng tình trạng tăng trưởng dựa trên lao động giá rẻ, tăng nhanh vốn đầu tư, khai thác tài nguyên thô… đã gây ra những bất ổn từ nội tại cơ cấu kinh tế. Sau 5 năm gia nhập WTO, việc cấu trúc lại nền kinh tế để tăng sức cạnh tranh lại quá chậm khiến càng tăng xuất khẩu càng nhập siêu nhiều.
TS Lê Đăng Doanh cảnh báo nhiều yếu kém của các doanh nghiệp (DN) Nhà nước và tư nhân đang bộc lộ rõ. Không ít DN tư nhân đi theo con đường lợi dụng các mối quan hệ, khai thác tài nguyên (rừng, mỏ), đất đai làm giàu nhanh chóng nhưng ít đóng góp vào đổi mới công nghệ, năng suất lao động. Nhiều DN tăng trưởng nhanh chủ yếu dựa vào vốn vay từ các ngân hàng rồi đầu tư tràn lan nhiều lĩnh vực từ bất động sản, chứng khoán đến nhà hàng, khách sạn… nay rơi vào tình cảnh “chết đứng”!
Gia cố từ nền móng
Tình trạng lạm phát cao, bất ổn kinh tế vĩ mô có căn nguyên từ nội tại của cơ cấu kinh tế và có thể tái diễn bất cứ lúc nào nếu không giải quyết triệt để vấn đề. TS Trần Du Lịch cho rằng để nền kinh tế có thể tăng trưởng nhanh và bền vững cần phát triển trên 3 trụ cột: thể chế kinh tế, nguồn nhân lực chất lượng cao và kết cấu hạ tầng bảo đảm cho tốc độ tăng trưởng và cải thiện dân sinh.
Chăm lo ba trụ cột này giống như gia cố nền móng trước khi nâng tầng. Đây chính là định hướng phát triển kinh tế bền vững. “Năm 2011 và sang 2012 không nên đặt mục tiêu tăng GDP cao (khoảng 6% - 6,5%) mà ưu tiên số 1 là kéo giảm CPI xuống dưới một con số (khoảng 9%). Nhiệm vụ trọng tâm 5 năm tới nên ưu tiên chất lượng tăng trưởng. Khi đó, không nên đặt mục tiêu tăng đầu tư bao nhiêu phần trăm GDP mà sẽ lựa chọn lĩnh vực, hiệu quả và nguồn vốn đầu tư…” – TS Trần Du Lịch nói.
TS Lê Đăng Doanh cho rằng cần đầu tư lĩnh vực phát triển tốt và cắt giảm lĩnh vực kém hiệu quả. Chẳng hạn, nông nghiệp là lĩnh vực có hiệu quả nhưng lại chưa được chú trọng. Chúng ta xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới nhưng lại không biết tận dụng chế biến gạo thành phở, bún… để có thêm sản phẩm xuất khẩu. Xuất khẩu tôm đông lạnh nhưng lại không thể chế biến tôm bao bột, các sản phẩm từ tôm. Xuất khẩu cao su thô qua Trung Quốc nhưng phải nhập khẩu ruột, vỏ xe từ nước này… “Đã đến lúc phải có sự thay đổi, điều chỉnh để không chỉ tận dụng lợi thế về tài nguyên mà còn nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm xuất khẩu” - ông Doanh nói.
Bình luận (0)