Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín tại cuộc họp về điều chỉnh dự án nhà ở theo hướng dẫn tại Thông tư 02 (điều chỉnh cơ cấu căn hộ các dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và chuyển đổi nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội hoặc công trình dịch vụ) của Bộ Xây dựng, diễn ra ngày 23-9 ở TP HCM.
Doanh nghiệp sốt ruột
Đại diện chủ đầu tư dự án nhà ở Hưng Điền (quận 8) cho biết cũng xin chuyển đổi 150 căn hộ sang nhà ở xã hội, Sở Quy hoạch và Kiến trúc đã duyệt chỉ tiêu quy hoạch từ 5.500-7.500 người. chủ đầu tư đã nộp hồ sơ 5 tháng nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Theo đại diện Hiệp hội Bất động sản TP HCM, Thông tư 02 chỉ có hiệu lực đến hết ngày 31-12-2014, trong khi nhu cầu các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn TP hết sức bức bách, dự án của Công ty CP An Phú tại số 961-973/1 Hậu Giang, quận 6 (xin điều chỉnh cơ cấu căn hộ) không chờ được đã phải triển khai thi công theo thiết kế đã được phê duyệt. Vì thế, Hiệp hội Bất động sản đề nghị UBND TP xem xét cho doanh nghiệp hội đủ điều kiện theo Thông tư 02 được sớm chuyển đổi.
Sức ép lên hạ tầng
Theo ông Quách Hồng Tuyến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, Thông tư 02 quy định không xem xét lại chỉ tiêu về dân số và điều chỉnh quy hoạch đối với trường hợp tăng số lượng căn hộ nhưng không tăng diện tích sàn, không điều chỉnh hạ tầng kỹ thuật - xã hội nếu dân số điều chỉnh không vượt quá 1,5 lần dân số theo quy hoạch cũ. Tuy nhiên, trên thực tế, việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ có diện tích lớn sang diện tích nhỏ sẽ làm tăng quy mô dân số, áp lực về hạ tầng kỹ thuật - xã hội trong khu vực. Sở Xây dựng kiến nghị TP không xem xét việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ đối với các dự án nằm trong khu trung tâm hiện hữu 930 ha (vì đã được TP phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết và quy chế quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan); các dự án đã được chấp thuận đầu tư nhưng chưa được cấp phép xây dựng, chưa đủ điều kiện khởi công, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính. Riêng trường hợp điều chỉnh dự án có thay đổi tổng diện tích sàn xây dựng thì Sở Quy hoạch và Kiến trúc hoặc UBND quận, huyện sẽ xem xét việc điều chỉnh quy hoạch 1/500 hoặc tổng thể mặt bằng trước khi thực hiện việc điều chỉnh dự án.
Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín nói: “Toàn TP còn hơn 20.000 người chưa có chỗ ở trong khi diện tích đất trống còn quá ít và không có hạ tầng kết nối, vì thế TP rất ủng hộ việc doanh nghiệp xây dựng nhà ở. Con số 25 m2 sàn/người mà Bộ Xây dựng đưa ra quá lý tưởng trong bối cảnh TP phấn đấu đạt 17 m2 sàn/người. Tuy nhiên, có ai dám bảo đảm xây xong 25 m2 đó chỉ một người đến ở hay xây là việc của doanh nghiệp, còn ở bao nhiêu tùy người dân, rồi đường đâu mà đi, trường đâu mà học? Vì vậy, phải cẩn trọng với những dự án điều chỉnh cơ cấu căn hộ”. Ông Nguyễn Hữu Tín giao Sở Xây dựng sớm hoàn chỉnh các tiêu chí điều chỉnh dự án trình UBND TP phê duyệt để làm cơ sở giải quyết cho các doanh nghiệp. Theo đó, ưu tiên xem xét điều chỉnh các dự án ngoại thành và vùng ven để giãn dân từ nội thành nhưng trên nguyên tắc bảo đảm hạ tầng kỹ thuật - xã hội chung cho toàn khu vực.
Địa phương không kham nổi! Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Chủ tịch UBND quận 2, vùng ven hay nội thành cũng như nhau khi dân số tăng chắc chắn ảnh hưởng đến hạ tầng. Điều này chỉ mình nhà nước lo chứ doanh nghiệp không lo, khi yêu cầu doanh nghiệp đóng góp xây dựng hạ tầng thì hầu hết viện lý do để từ chối. “Trên thực tế, quận 2 đã nghiên cứu mấy năm nay và thấy nếu tỉ lệ dân số tăng 1,5 thì hạ tầng cũng phải tăng từ 1,2-1,6 lần, địa phương không kham nổi. Vì vậy, đề nghị mỗi dự án muốn chuyển đổi phải xét trên tổng thể mặt bằng quy hoạch trong khu vực, xem hạ tầng có còn chịu nổi hay không” - ông Khiết kiến nghị. |
Bình luận (0)