Theo báo cáo nghiên cứu thường kỳ Policy Debate 3 và ngành ngân hàng 2012 của Công ty cổ phần báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố, hết quý II, nhiều ngân hàng mới đạt chưa đến 20-30% chỉ tiêu lợi nhuận cho cả năm 2012.
Một số nhà băng đạt 50% cũng đang cân nhắc điều chỉnh lại chỉ tiêu lợi nhuận năm 2012. Việc lách hạn mức tín dụng, che giấu nợ xấu của một số đơn tạo nên những khó khăn trong kiểm soát, ảnh hưởng tới thanh khoản, hoạt động toàn hệ thống ngân hàng.
Tới hết tháng 6, nợ xấu chiếm khoảng 10% dư nợ toàn ngành ngân hàng, ở 265.000 tỉ đồng. Nếu so sánh với các năm trước đó, như 2009 là 2,5%, 2010 là 2,1% và 2011 là 3,3%, thì tỷ lệ năm nay, dù mới đi được hơn nửa chặng đường, đã khá cao. Báo cáo của Vietnam Report cũng chỉ ra, điều nguy hiểm nhất là sự không thống nhất về con số chính xác của nợ xấu làm ảnh hưởng tới việc giải quyết nhanh chóng các khoản nợ này.
Việc doanh nghiệp tiếp cận vốn khó khăn cũng được cho là một “điểm đen” của ngành ngân hàng năm 2012. Khảo sát của Vietnam Report cho thấy, 44% doanh nghiệp lớn khẳng định không tiếp cận được dòng vốn ngân hàng như năm 2011. Còn doanh nghiệp nhà nước thì cho hay đa số đều nhận được ưu đãi tín dụng lớn nhất từ các nhà băng.
Báo cáo đánh giá, cho vay phi sản xuất quá nhiều, lãi suất tăng cao là nhân tố khiến cho an toàn hệ thống mất đi, gia tăng lạm phát. Riêng về uy tín của các ngân hàng, có 3 trong 4 ngân hàng thương mại nhà nước đã nằm trong top 5 các nhà băng xuất hiện tiêu cực nhất trên truyền thông. Yếu tố được bàn tới là các vụ vi phạm pháp luật tại chi nhánh, lãi suất cho vay cao, đi kèm nợ xấu tăng cao.
Hiện tượng tham ô, rút ruột khách hàng, nhận hoa hồng để cho vay, làm trái quy định của nhà nước… cũng được nhắc đến như một điểm làm mất uy tín của ngànhngân hàng trong con mắt truyền thông và người dân, các chuyên gia. Một số cái tên sáng nhất được truyền thông đánh giá cao có Vietinbank, Eximbank. SHB và Habubank sau khi sáp nhập được đánh giá tích cực. Còn ACB, sau vụ lãnh đạongân hàng bị khởi tố, bắt giữ đã xếp hạng chót, với tổng điểm là -1.
Trong Dự thảo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng vừa công bố lấy ý kiến, mức phạt cáo nhất đối với các vi phạm về cấp tín dụng có thể lên tới 2 tỉ đồng.
Riêng hành vi lưu giữ hồ sơ cấp tín dụng không đúng quy định của pháp luật bị phạt tiền từ 50 triệu đồng 100 triệu đồng. Hành vi thực hiện kiểm tra, giám sát quy trình vốn vay, trả nợ của khách hàng không đúng quy định, mức phạt từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng. Cấp tín dụng không hợp đồng, chuyển nợ quá hạn, gia hạn nợ gốc, lãi, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc, lãi trái quy định bị phạt 300-600 triệu đồng.
Bình luận (0)