Trong thời gian vừa qua nhiều công ty du lịch tung ra các gói kích cầu, giảm giá nhằm tạo sức hút để khách du lịch quan tâm hơn đến mình. Nhưng nhiều công ty đã lợi dụng việc kích cầu mùa du lịch để “móc túi kép” du khách.
Chị Nguyễn Thị Dung – (Thường Tín, Hà Nội) bức xúc khi tham gia tour Ao vua – Đường Lâm giá chỉ 5 triệu đồng cho 30 người với bữa ăn chính gồm thịt gà rừng, nước, hoa quả tráng miệng sau bữa ăn.
"Bữa trưa nói thịt gà rừng nhưng lại mềm như gà thải Trung Quốc. Ngoài thịt chỉ thêm 2 bìa đậu rán với mấy cọng rau muống, cơm nhão. Dịch vụ kiểu này khó lòng chấp nhận” - chị Dung bức xúc.
Nguyễn Huỳnh Quân – sinh viên năm 3 đại học Phương Đông cũng than thở vì dịch vụ giá rẻ, chất lượng tồi: “Khi tham gia thì phấn khởi vì giá hợp lý, nhưng đi xong rồi mới biết mình đã bị móc túi kép”.
Không chỉ các công ty du lịch nhỏ mà khách sạn nhỏ làm ăn theo kiểu chộp giật cũng giở nhiều chiêu bắt chẹt, khiến khách du lịch bực mình.
Hai sinh viên đến từ Huế là Nguyễn Văn Phú và Nguyễn Thị Quyên cùng anh Nguyễn Quang Dũng - giáo viên dạy trường THPT Quảng Xương 3 (Xã Quảng Phú, Quảng Xương, Thanh Hóa) khó chịu vì bị khách sạn cũng “giở trò”.
Theo lời kể của các sinh viên này, cả ba người được giải nhì trong cuộc thi tìm hiểu về quan hệ Việt – Lào diễn ra tại Nhà hát Quân Đội đầu tháng 7/ 2012.
Để nhận giải thưởng tại Hà Nội, các sinh viên này được bố trí chỗ ăn ở trong 2 ngày tại khách sạn Hương Sơn (đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội), tuy nhiên mới được một ngày rưỡi, khách sạn đã thông báo các sinh viên này phải trả phòng.
Du lịch biển, đủ trò “chặt chém”
Du lịch Sầm Sơn vốn đã nổi tiếng với dịch vụ “chặt chém” khách. Tuy nhiên nhiều du khách khi đến đây dù cẩn thận đến mấy vẫn không thoát được “vòng kim cô” của các tiểu thương.
Không chỉ phương tiện giao thông, đồ ăn ở Sầm Sơn cũng được du khách phản ánh rất tệ và quá đắt. Nếu không trực tiếp giám sát thì nhà hàng còn đánh tráo đồ.
Anh Nguyễn Ngọc, du khách Hà Nội kể: “Trong một lần đến nhà hàng Minh Tuyền ăn hải sản, khi vào kêu bốn cua biển, (mỗi con 500 gr) nhưng khi nhà bếp chế biến xong không hiểu sao mỗi con chỉ còn chưa đầy 250 gr? Phàn nàn với nhà hàng thì họ biện minh sau chế biến cua, ghẹ hao nhiều”.
Bà chủ cửa hàng đon đả nói: “Anh cứ bình tĩnh, khách hàng nào cũng tò mò. Khách tò mò là đúng, nhưng đồ biển luộc rồi hao nhiều lắm”.
Sau khi hỏi anh bạn làm quản lí khách san ở đây, anh Ngọc được biết thông thường cua, ghẹ sau chế biến hao 100gr là cao. Khi khách mua cua, ghẹ 500gr, nhưng khi đem vào sẽ bị đánh tráo con khác khoảng 400 gr”.
Du khách đến đây mua nước mắm cũng nên dè chừng với các anh “cò”. Mỗi khi hè về tài xế chủ yếu chở khách đi mua nước mắm, hải sản ….. ít khi chở khách không.
“Một khách mua 1 kg cua, ghẹ tài xế xe điện được hưởng 40.000 đồng. 1 lít nước mắm 30.000 đồng. Nếu khách du lịch tự tìm đến nơi mua, người bán sẵn sàng trừ hoa hồng đó cho họ” - Anh Lê Văn Hằng (Quảng Tiến, Sầm Sơn) khẳng định”.
Không chỉ ăn uống, gửi xe tại Sầm Sơn cũng dễ bị “chém đẹp”. Nếu không biết mỗi lần gửi xe ở đây, du khách có thể bị hé giá lên tới 50.000 đồng/xe máy. Thậm chí vào mỗi đợt khai trương hè, một số bãi gửi xe thu lên 70.000 đồng/ xe máy, 100.000 đồng/ ô tô. Trong khi đó, ở bãi biển Cửa Lò, giá một xe máy “chỉ” 20.000 đồng, ô tô 50.000 đồng.
Với kinh nghiệm lâu năm trong nghề anh Nguyễn Ngọc tâm sự: “Những kiểu làm ăn dở khóc dở cười này chỉ có ở các công ty du lịch, khách sạn nhỏ và vừa. Những công ty đã có thương hiệu không làm vậy”.
Tuy nhiên, số lượng các công ty nhỏ và vừa là rất nhiều nên khả năng du khách bị “chặt chém” không hề nhỏ. Vì vậy, anh Ngọc khuyên với các bạn có dự định đi du lịch lần đầu nên tham khảo ý kiến bạn bè, người thân, những người đã đi nhiều, và cần được tư vấn thêm nếu không sẽ bị ép giá, cắt tour.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!