Nhờ bán được giá, nhiều gia đình khá lên, thế là nhà nhà trồng vải. Cây trồng chủ lực này có mặt khắp nơi, từ vườn cho tới những ngọn đồi. Thế nhưng, khi cây vải phủ kín vườn đồi cũng là lúc giá rớt, chỉ còn 4.000-5.000 đồng/kg, mọi người quay ra sấy khô hy vọng bán được giá hơn. Làm vải khô vất vả và chi phí cao, khó bảo quản, giá bán lại thất thường vì phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc.
Rồi đến khi quả vải chỉ còn 1.000-2.000 đồng/kg, tiền chở hàng đi bán không đủ tiền xăng xe, đó cũng là lúc người dân quê tôi mất niềm tin vào quả vải, họ bắt đầu phá vải trồng cam vì nghe tin một số người giàu lên rất nhanh nhờ quả cam. Phong trào trồng cam lên cao không khác gì trồng vải khi xưa, thậm chí còn hơn. Nhiều người không những phá vải mà còn bỏ luôn trồng lúa, dành đất trồng cam, không có vốn cũng cố vay ngân hàng đổ vào cây cam. Những nhà còn giữ lại vườn vải là do hy vọng quả “đặc sản” này sẽ bán có giá khi xuất khẩu được sang thị trường Mỹ, hơn nữa họ không dám mạo hiểm đầu tư vào trồng cam.
Liệu tương lai quả cam có giống quả vải, rồi một bộ phận người dân Lục Ngạn sẽ ra sao khi nhà nhà đi đong gạo ăn, giàu sang chưa thấy còn bệnh tật thì cận kề vì hằng ngày phải hít một lượng lớn thuốc trừ sâu bởi trồng cam phải phun thuốc thường xuyên. Quả vải rớt giá có thể sấy khô kéo dài thời gian bảo quản, còn cam chỉ có thể bán tươi.
Cái kết cho quả vải và quả cam có thể khác nhau nhưng khởi đầu của chúng khá giống nhau: người dân trồng theo phong trào, không tìm hiểu kỹ về đầu ra cho sản phẩm. Khi cung vượt cầu, giá giảm là điều đương nhiên.
Người làm vườn ở Lục Ngạn nói riêng và người sản xuất nông nghiệp nói chung bao giờ cũng rất cần sự định hướng của cơ quan chức năng, nhất là thông tin về thị trường đầu ra cho sản phẩm - yếu tố quyết định sự thành bại của nhà nông.
Bình luận (0)