Ngày 26-2, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo về tình hình cung cấp điện mùa khô năm 2011 và tăng giá điện. Thông tư cụ thể về giá bán điện cho các đối tượng sẽ được ban hành ngày 28-2 - một ngày trước khi biểu giá điện mới có hiệu lực.
Tính đủ chi phí phải tăng 62%
Chủ trì buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết mức tăng 15,28% được Chính phủ quyết định trên cơ sở giảm tối đa ảnh hưởng của tăng giá điện đến sức chịu đựng của nền kinh tế và cả xã hội.
Giá bán điện mới là 1.242 đồng/KWh, tăng 165 đồng/KWh so với giá hiện hành. Nếu tính đủ chi phí và để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hết lỗ, giá điện phải tăng 62%, tức là tăng hơn 650 đồng/KWh. Đáng lưu ý là các yếu tố cơ sở để tăng giá điện đều được tính ở mức thấp.
Cụ thể, giá than cho sản xuất điện tăng 5% so với hiện hành, bằng 66%-72% giá thành sản xuất than năm 2010. Tỉ giá ngoại tệ được áp dụng ở mức 19.500 đồng/USD, thấp hơn 1.400 đồng/USD so với tỉ giá liên ngân hàng và thấp hơn 3.000 đồng/USD so với thị trường tự do.
Thiếu điện sản xuất, sinh hoạt nhưng các bảng quảng cáo vẫn sáng hàng đêm. Ảnh: HỒNG THÚY
Lợi nhuận của EVN được tính bằng 0%. Hàng loạt chi phí phát sinh của EVN lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng từ các năm trước vẫn bị treo lại. Việc điều chỉnh giá điện lần này chủ yếu là để bù đắp các chi phí đầu vào được chuyển vào giá điện (như tăng giá than và giá khí cho phát điện) và chỉ để giảm một phần lỗ đã phát sinh cho doanh nghiệp, chứ không phải là tăng giá để đầu tư cho hệ thống.
Trả lời câu hỏi của báo chí rằng đây có phải đợt tăng giá điện duy nhất trong năm hay không, ông Trần Quốc Vượng nói “chưa thể nói được năm nay có tăng giá nữa hay không. Chính phủ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng về khả năng này”.
Hỗ trợ giá điện cho người nghèo
Về tác động đến các ngành sản xuất, dự kiến giá điện cho sản xuất tăng bình quân khoảng 12%, làm tăng giá thành sản xuất của các ngành sản xuất từ 0,01% – 1,33%. Đối với các ngành cán thép, xi măng, sản xuất sợi, tỉ lệ tăng giá thành sản phẩm do điều chỉnh giá điện khoảng từ 0,38% - 1,33%; đối với các ngành thuốc lá, bia, sản xuất bao bì, tỉ lệ tăng giá thành sản phẩm do điều chỉnh giá điện khoảng từ 0,01% - 0,46%. |
Ông Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), cho biết năm 2010, tổng sản lượng điện cắt giảm vào mùa khô khoảng 1,4 tỉ KWh. Toàn hệ thống có hơn 54 tỉ KWh thì thiếu hụt 6 tháng mùa khô là hơn 2 tỉ KWh. Trong 2 tháng đầu mùa khô vừa qua, tăng trưởng phụ tải chỉ hơn 12%.
Bốn tháng mùa khô còn lại, nếu tốc độ tăng trưởng vẫn thấp hơn dự báo thì chỉ thiếu khoảng 1,7 tỉ KWh. Bên cạnh đó, việc tiết kiệm điện đang đẩy mạnh, nước có thể về hồ nhiều hơn, các dự án điện mới dự kiến vào trong năm nay đang đẩy nhanh tiến độ để kịp vận hành trước mùa khô. Do đó, có khả năng mùa khô năm nay không phải cắt điện. Nhưng vẫn phải tính đến khả năng phải cắt điện luân phiên để bảo đảm an toàn hệ thống điện quốc gia.
Chính phủ đã chỉ đạo một số ngành tiêu thụ năng lượng lớn nhưng hiệu quả không cao cũng phải chịu tiết giảm để hỗ trợ cho sinh hoạt. Bộ Công Thương sẽ giao điện lực các tỉnh lập kế hoạch cung ứng điện trình UBND phê duyệt, xác định rõ các đối tượng nào chịu cắt điện để thực hiện công bằng.
Có hai đối tượng được hỗ trợ giá điện là hộ nghèo và hộ có thu nhập thấp. Các hộ nghèo được hỗ trợ giá điện cho 50 KWh/tháng với mức hỗ trợ mỗi tháng là 30.000 đồng/hộ.
Do đó, trên thực tế, mỗi hộ được hỗ trợ đến 60% về giá, số tiền thực trả chỉ còn 400 đồng/KWh tương ứng với 20.000 đồng/tháng. Đối với hộ nghèo sử dụng điện dưới 50 KWh/tháng, mức hỗ trợ giá điện còn cao hơn. Bộ Công Thương tính toán cả nước có khoảng 3,2 triệu hộ nghèo, tổng kinh phí hỗ trợ tiền điện cho các hộ này là 1.120 tỉ đồng/năm, do ngân sách Nhà nước cấp.
Bình luận (0)