Những tháng giữa và cuối năm 2011, người dân đua chen mua vàng, giá vàng trong nước có lúc tăng cao hơn giá thế giới 3-4 triệu đồng/lượng. Ngược lại, từ tháng 4-2012 đến nay tình hình buôn bán kim loại quý này càng lúc càng hiu hắt.
Tạm thoái lui khỏi vàng
Theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 3-4-2012, từ ngày 25-5, việc dùng vàng làm phương tiện thanh toán sẽ trở thành hành vi vi phạm pháp luật.
Hôm qua, 4-5, dù còn hơn 20 ngày nữa nghị định mới có hiệu lực nhưng giá vàng trong nước đã có những biến chuyển bất thường so với giá thế giới. Đầu ngày, giá vàng trong nước sụt giảm đến 200.000 đồng/lượng, về mức 42,25 - 42,45 triệu đồng/lượng dù giá vàng thế giới vào thời điểm đó đang tăng khoảng 0,1%, tương ứng mức giá 1.636 USD/ounce. Giá vàng trong nước sáng qua cũng giống diễn biến giá của các ngày 2 và 3 -5, theo xu hướng đi xuống dù giá vàng thế giới đã phục hồi được ít nhiều.
Theo ông Nguyễn Công Tường, Phó trưởng Phòng Kinh doanh Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), khi giá vàng về ngưỡng khoảng 43 triệu đồng/lượng, nhiều người dân đi bán vàng với số lượng lớn. Người bán nhiều hơn người mua đã khiến giá vàng trong nước đi ngược giá thế giới. “Với việc người giữ vàng bán với số lượng lớn (cả ngàn lượng) chứng tỏ nhà đầu tư đã bắt đầu thoái lui khỏi vàng; còn người dân đang chán chường với thị trường vàng, họ không còn mặn mà như trước nữa”- ông Nguyễn Công Tường nhận xét.
Ông Đặng Thanh Minh, một người bán vàng tại SJC ngày 4-5, nói: “Tôi cũng lo lo sau này mua bán khó khăn mà đợi thêm vài tuần nữa chưa chắc giá vàng nhỉnh hơn 43 triệu nên hôm nay chịu lỗ chút đỉnh, bán đi cho an tâm”.
“Dễ sinh thị trường chợ đen”
Theo quy định, từ ngày 25-5, các hoạt động thanh toán bằng vàng sẽ chấm dứt. Vàng miếng sẽ do Ngân hàng (NH) Nhà nước độc quyền kinh doanh và các NH sẽ làm đại lý…
Tuy nhiên, có một thực tế, lâu nay người dân vẫn có thói quen tích trữ vàng, giữ vàng không chỉ làm của để dành mà còn vì mục đích thanh toán. Như vậy, từ ngày 25-5, khi vàng không thể là phương tiện thanh toán nữa thì vị trí của kim loại quý này sẽ như thế nào?
Ông Nguyễn Trung Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vàng Vina, phân tích: Sẽ có 2 trường hợp xảy ra đó là thực hiện nghị định không triệt để và triệt để. Trong trường hợp thực hiện không nghiêm túc, thị trường vàng sẽ giống y chang thị trường ngoại hối hiện nay (USD) là sẽ phát sinh thị trường tự do và sẽ có “chợ Vườn Chuối” như những năm 80 của thế kỷ trước. Còn nếu chỉ răn đe sơ sơ, người dân sẽ chuyển từ mua bán vàng miếng sang các loại nhẫn vàng.
Theo ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam (VGB), trên thế giới vàng không làm phương tiện thanh toán nhưng vẫn rất được chuộng vì vàng có 2 chức năng quan trọng là chức năng tiền tệ và cất giữ giá trị. Vàng vẫn trở thành một kênh trú ẩn an toàn khi có những biến động về kinh tế, chính trị. Do đó Việt Nam không là một ngoại lệ.
Tuy nhiên, từ ngày 25-5 trở đi và sau 6 tháng “lộ trình” chuyển đổi của nghị định, thị trường vàng Việt Nam, theo ông Hải, sẽ đi theo chiều hướng khó lường. “Nhu cầu mua vàng miếng của người dân vẫn còn trong khi độ phủ của các đại lý kinh doanh vàng không đến được cả vùng sâu, vùng xa. Tôi lo là thị trường ngoài vòng kiểm soát sẽ tồn tại và sẽ khó quản hơn USD bởi vì USD tại Việt Nam không phổ biến bằng vàng, không gắn với đời sống của đông đảo người dân như vàng” - ông Trần Thanh Hải lo ngại.
Cho NH huy động vàng thêm 7 tháng Nguồn tin từ NH Nhà nước Chi nhánh TPHCM, ngày 4-5 cho biết NH Nhà nước đã có quyết định cho phép các NH thương mại huy động chứng chỉ vàng thêm 7 tháng, từ nay đến hết ngày 25-11. Trước đó, tháng 4-2011, NH Nhà nước đã ban hành Thông tư 11, quy định, các NH phải ngưng cho vay vốn bằng vàng và được huy động chứng chỉ vàng phục vụ mục đích chi trả đến ngày 1-5-2012. Hiện NH Nhà nước chưa cho biết nguyên nhân vì sao đơn vị này lại gia hạn thêm thời gian huy động vàng cho các NH thương mại. |
Bình luận (0)