Đang cùng trò chuyện về góc nhìn của xã hội đối với doanh nhân, tôi chợt hỏi ông Võ Trường Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành: “Từ khi thành lập (năm 1993) đến nay, cá nhân ông và công ty đã được nhận bao nhiêu giải thưởng?”.
Ông Thành trả lời: “Nói thật là không thể nhớ hết...”. Lý do, theo ông Thành, bởi có quá nhiều giải thưởng dành cho doanh nghiệp (DN) và doanh nhân. Ngoài các giải thưởng, danh hiệu có giá trị đã nhận, có không ít giải làng nhàng, công ty ông dự chỉ vì đơn vị tổ chức “nhiệt tình” quá, thế mà vẫn đoạt giải!
Ăn theo... “vàng”
Hiện cả nước có gần 100 giải thưởng, danh hiệu cho DN, doanh nhân nên nảy sinh tình trạng cường điệu, trùng lắp trong tên giải.
Phổ biến nhất là tên gọi có chữ “vàng”. Ở nhóm lĩnh vực giáo dục - khoa học - công nghệ, Quả cầu vàng về công nghệ thông tin (của Trung ương Đoàn) là giải duy nhất có chữ “vàng”, trong khi đó ở nhóm DN, doanh nhân, số lượng cúp và giải “vàng” nhiều đến chóng mặt.
Nào là Cúp Sen vàng, Cúp vàng Techmark VN, Cúp vàng thương hiệu an toàn, Cúp vàng thương hiệu dược phẩm an toàn, Cúp Bàn tay vàng, Cúp vàng doanh nhân văn hóa, Cúp vàng tinh hoa Việt, Cúp vàng văn hóa DN, Cúp vàng hội nhập kinh tế quốc tế, Cúp vàng doanh nhân tâm tài, Cúp vàng thương hiệu nhãn hiệu, Cúp vàng sản phẩm Việt - hợp chuẩn WTO về sở hữu trí tuệ, Cúp vàng an toàn lao động...
Có vẻ thấy cúp chưa ép-phê, một số đơn vị tổ chức đã “nâng tầm” thành siêu cúp, như Siêu cúp thương hiệu nổi tiếng, Siêu cúp thương hiệu mạnh và phát triển bền vững…!
Ngoài cúp, còn có rất nhiều giải khác cũng ăn theo “vàng”. Chẳng hạn, Giải Cầu vàng VN, Giải thưởng Bông hồng vàng, Giải thưởng Bông lúa vàng, Giải thưởng Rồng vàng.
Đặc biệt là Giải thưởng Chuông vàng, chẳng hiểu vì sao Hiệp hội Quảng cáo VN (đơn vị tổ chức giải) đặt tên là “chuông vàng” trong khi đối tượng tranh giải là các công ty quảng cáo, các tác phẩm quảng cáo xuất sắc, có ăn nhập gì với chuông?
Các tên giải, cúp cũng na ná nhau, ví dụ như Giải thưởng Sen vàng đất lụa do Hội Các nhà DN trẻ Hà Tây (nay thuộc TP Hà Nội) lập năm 2006 “đụng hàng” với Cúp Sen vàng (của Hội chợ Xuất nhập khẩu và Tiêu dùng - Eximpo Vietnam) ra đời năm 2001.
Hoặc như Giải thưởng Bông lúa vàng - VAPCF (do Hiệp hội Quỹ Tín dụng Nhân dân VN chủ trì, khởi động năm 2007) cũng gần như trùng tên với Giải thưởng Bông lúa vàng do Bộ NN-PTNT lập trước đó 3 năm.
Chưa bàn về chất lượng, chỉ qua hàng loạt tên giải rất “kêu” và trùng lắp như vậy, có thể khẳng định giải thưởng hướng đến DN, doanh nhân ở VN đang vàng - thau lẫn lộn!
Giải đi trước, tiền theo sau
“Số giải thưởng uy tín, được tổ chức nghiêm túc hiện nay không nhiều. Tôi đánh giá cao Sao vàng Đất Việt, Doanh nhân VN tiêu biểu (Cúp Thánh Gióng), Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu và một ít giải khác có chất lượng; đa số còn lại là thường thường bậc trung. Các đơn vị tổ chức luôn chủ động tiếp cận DN để chào giải, nhiều đến mức tôi phải từ chối tiếp. Nhiều giải tìm đến cốt chỉ để vận động DN tài trợ”. Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE), kể.
Các DN lớn thường đã gặt hái hầu hết giải thưởng uy tín nên ít quan tâm những giải “con con”. Trong khi đó, những đơn vị tổ chức giải “con con” thì cứ nhắm các DN lớn. Có tháng, một DN phải tiếp gần 10 đại diện của 10 giải khác nhau, giới thiệu những giải mà DN chưa từng nghe bao giờ.
Ông Võ Trường Thành than thở: “Nhiều giải mình đâu có thích nhưng họ (đơn vị tổ chức - NV) cứ gọi điện thoại hoài. Thật tình, đến khi nhận giải mới thấy rầu vì không ít DN chưa tên tuổi gì nhưng vẫn đứng cùng “chiếu” với DN lớn. Vì thế, sao tránh khỏi chuyện mua bán giải!”.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit, đưa ra nguyên tắc: Chỉ dự những giải uy tín, nghiêm túc. “Vinamit lập hẳn một bộ phận riêng là PR - Truyền thông, ngoài công việc chính còn có nhiệm vụ “đánh chặn” sự tiếp cận của những giải thưởng vô bổ. Bởi lẽ, không ít trường hợp DN vừa nhận giải xong, đơn vị tổ chức yêu cầu... nộp tiền. Điều đó thật khó chấp nhận” - ông Viên cho biết.
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITACO) Đặng Thành Tâm nói: “Với những giải thưởng uy tín, nghiêm túc, chúng tôi rất quý trọng bởi đã nỗ lực rất nhiều mới đạt được. Còn những giải “có mùi” vốn thường được giao cho các công ty tiếp thị tổ chức, DN nào cũng ngán!”.
Giải kém không “thọ” lâu
“Thái độ của doanh nhân về các giải thưởng cũng rất quan trọng. Nếu thấy giải tốt, là mục tiêu để DN phấn đấu thì nên tham gia; còn không thì đừng “chơi”. Giải thưởng chỉ có ý nghĩa khi nó thật sự tôn vinh DN, trở thành động lực để thôi thúc doanh nhân lao động, sáng tạo...” - ông Đặng Thành Tâm nói. |
Kỳ tới: DN làm đầu tàu dẹp “loạn”
Bình luận (0)