Lúc 10 giờ ngày 12-6, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng SJC cho thị trường TPHCM ở mức 41,67 triệu đồng/lượng (mua vào) và 41,87 triệu đồng/lượng (bán ra). Nếu so với đầu giờ sáng qua, giá vàng miếng hiện đã giảm 330.000 đồng mỗi lượng.
Vàng miếng tuột mốc giá 42 triệu đồng/lượng từ cuối giờ chiều qua khi giá vàng thế giới giảm nhanh. Đà giảm được duy trì trong sáng nay và được đẩy nhanh hơn khi giá USD liên tục đi xuống.
Lúc gần 10 giờ, giá USD tự do tại Hà Nội giảm còn 20.910 đồng (mua vào) và 20.960 đồng (bán ra), giảm 60 đồng ở chiều mua và 40 đồng ở chiều bán so với sáng hôm qua. Mốc giá 21.000 đồng đổi 1 USD đã không còn được duy trì sau khoảng 1 tuần. Giá USD giảm nhanh khiến các điểm thu đổi nới rộng khoảng cách giữa giá mua và bán, lên 50 đồng mỗi USD, thay mức 30 đồng mỗi USD vào hôm qua.
Tại các ngân hàng thương mại, giá USD sáng nay thậm chí còn giảm mạnh hơn trên “chợ đen”. Cụ thể, Vietcombank lúc gần 10 giờ báo giá USD ở mức 20.890 đồng (mua vào) và 20.960 đồng (bán ra), giảm tương ứng 70 đồng ở chiều thu mua và 76 đồng ở chiều bán ra. Tại Ngân hàng Eximbank, giá USD còn 20.880 đồng cho chiều mua và 20.950 đồng cho chiều bán.
Áp lực giảm đối với giá vàng trong nước từ ngày hôm qua tới thời điểm hiện tại còn xuất phát từ xu hướng giảm của giá vàng thế giới. Ngoài ra, theo giới kinh doanh vàng, lực mua vàng miếng trong nước hạn chế cũng là một nguyên nhân khiến vàng trong nước khó trụ giá.
Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc gần 10 giờ ngày 12-6 hạ 3,8 USD/oz so với đóng cửa đêm qua tại New York, còn 1.593,3 USD/oz. Đêm qua, giá vàng đóng cửa tăng 1,4 USD/oz, đạt 1.597,1 USD/oz.
So với giá vàng trong nước, giá vàng thế giới quy đổi theo giá USD tự do và chưa tính chi phí đang thấp hơn 1,65 triệu đồng/lượng.
Hãng tin Reuters cho biết tâm trạng lạc quan của giới đầu tư sau khi châu Âu quyết định bơm vốn cho các ngân hàng đang suy yếu của Tây Ban Nha đã không được duy trì lâu. Các nhà đầu tư lo ngại, kế hoạch giải cứu trị giá 100 tỷ Euro, tương đương 125 tỷ USD này rốt cục sẽ làm gia tăng nợ công của các nước Eurozone khác, khiến cuộc khủng hoảng nợ ở khu vực càng thêm phần trầm trọng.
Bình luận (0)