Nhân viên Công ty Liên Thành đang giới thiệu sản phẩm cho khách hàng. Ảnh: Thanh Liên
Tìm tới khách hàng
Sáng chủ nhật, chợ Thiếc (quận 11 - TPHCM) nhộn nhịp hơn bởi sự có mặt của những gian hàng giới thiệu sản phẩm của một số công ty theo chương trình “Ngày vàng hàng Việt” của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ DN (BSA). Tại đây, gian hàng của Công ty CP Chế biến Thủy hải sản Liên Thành thu hút rất nhiều khách hàng đến chăm chú nghe nhân viên tiếp thị của công ty giới thiệu lịch sử công ty, quy trình sản xuất, các sản phẩm. Họ hào hứng dùng thử tại chỗ hoặc lấy mẫu đem về nhà. Kết quả là chỉ trong một buổi sáng, Liên Thành đã bán được khá nhiều sản phẩm (bán giùm hàng cho tiểu thương tại chợ hoặc giới thiệu khách vào sạp chợ mua).
Bà Ngô Thị Hoàng Mai, phó giám đốc công ty, cho biết: Theo kết quả khảo sát của công ty, mặc dù Liên Thành đã tồn tại hơn 100 năm và sản phẩm chất lượng cao nhưng ít được người tiêu dùng biết đến. Trước đây, sản phẩm Liên Thành khó vào chợ vì hàng rào kỹ thuật tại các chợ còn kém, chưa có sự phân định rõ ràng về chất lượng, người tiêu dùng thường quan tâm so sánh giá cả các mặt hàng với nhau mà không để ý đến hàm lượng dinh dưỡng, chất lượng… nên dù chất lượng tốt, công ty rất khó cạnh tranh lại sản phẩm của một số “đối thủ” về giá cả, quảng cáo, chiết khấu… Thế nhưng, sau 7 lần đi “nói chuyện” với khách hàng tại các chợ trên địa bàn TPHCM, công ty có thêm rất nhiều khách hàng, điểm phân phối mới. Cụ thể: Tại chợ Thị Nghè, sau 2 ngày cuối tuần giới thiệu sản phẩm, cho dùng thử… trong vòng 2 tuần, công ty thu được 12 triệu đồng. Số điểm bán cũng tăng lên, từ 5 điểm trước đây, nay lên 8 điểm bán/tuần.
Tính chung, tại những chợ, công ty đã đến “nói chuyện”, doanh thu tăng khoảng 60%. “Mỗi chuyến bán hàng tại chợ, công ty cử 4 nhân viên tiếp thị, một lãnh đạo công ty và một trưởng bộ phận; khá vất vả nhưng hiệu quả mang lại rất khả quan, nhất là trong lúc buôn bán khó khăn như hiện nay” - bà Mai nói.
Hiệu quả khả quan
Từ nhiều năm nay, Công ty TNHH Hóa mỹ phẩm quốc tế ICC (chuyên sản xuất các mặt hàng chất tẩy rửa, vệ sinh răng miệng, trong đó có nhãn hàng kem đánh răng Dạ Lan) cũng chọn cách bán hàng tận tay người tiêu dùng. Theo ông Trịnh Thành Nhơn, Tổng Giám đốc ICC, ở lĩnh vực hóa mỹ phẩm, thị trường nội địa chủ yếu do các tập đoàn đa quốc gia làm chủ. Để tồn tại, ICC phải chọn thị trường “ngách”, cho nhân viên đi các chợ bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng. Mô hình này đã duy trì được 3 năm nay, chủ yếu tại các tỉnh. Tùy theo sức mua của từng chợ mà mỗi tháng hoặc tuần, các đội bán hàng sẽ quay trở lại. Với hình thức này, doanh thu mang lại khá tốt, chiếm đến 40% doanh thu thị trường nội địa.
Chỉ là giải pháp tình thế Theo các DN, bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng không phải là hình thức kinh doanh mới mà đã có từ rất lâu. Hình thức này đặc biệt phát huy hiệu quả tốt tại các tỉnh lẻ, vùng sâu, vùng xa. Đây là giải pháp ngắn hạn, có thể áp dụng trong hoàn cảnh sức mua thị trường quá yếu hoặc trong trường hợp sản phẩm không chen chân vào được các cửa hàng, hệ thống phân phối lớn. Tuy nhiên, khi tổ chức bán hàng tại chợ, DN đã đẩy mình vào thế cạnh tranh trực tiếp với tiểu thương, về lâu dài không có lợi cho DN. |
Bình luận (0)