Theo Điều 13 của dự thảo nghị định , giá sàn cá tra nguyên liệu sẽ được cơ quan có thẩm quyền quy định theo từng thời điểm, dựa trên chi phí chế biến, nhu cầu nhập khẩu của thị trường và các chi phí hợp lý khác. Cơ quan có thẩm quyền cũng sẽ quy định giá sàn xuất khẩu sản phẩm cá tra theo từng nhóm thị trường cụ thể và từng loại sản phẩm theo định kỳ 3 tháng hoặc đột xuất sau khi tham khảo doanh nghiệp.
Theo Ông Dương Ngọc Minh, việc cơ quan chức năng ấn định giá sàn cá tra nguyên liệu là không khả thi, chỉ nên tiếp cận giá sàn xuất khẩu và việc ấn định giá sàn xuất khẩu nên để các doanh nghiệp tham gia tự thống nhất:
“Tôi nghĩ cơ quan chức năng không nên can thiệp vào việc ấn định giá sàn, doanh nghiệp là những người trực tiếp kinh doanh, sẽ nắm bắt được ấn định giá cả như thế nào là phù hợp với thị trường, có lợi cho ngành cá, có lợi cho doanh nghiệp sản xuất và người nuôi.”, ông Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản nói.
Một số doanh nghiệp cũng cho rằng việc quản lý giá sàn có thể khiến cá tra Việt Nam thêm rào cản vào các thị trường:
“Nhà nước quản lý giá sàn có thể vi phạm các quy định về hội nhập WTO, một số thị trường chủ lực như Mỹ sẽ xem đó là bằng chứng để khẳng định Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường, điều này sẽ tạo thêm rào cản khó khăn cho cá tra Việt Nam”, ông Mai Đăng Hoa, Tổng giám đốc Công ty Saigon Mekong nói.
VASEP cũng cho biết đang xây dựng đề án về giá sàn xuất khẩu cá tra và dự kiến lấy ý kiến góp ý của 20 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu vào ngày 10 tháng 12 tới. Ngoài vấn đề ấn định giá sàn, nhiều doanh nghiệp cũng không đồng tình với các quy định như phải có hợp đồng cung cấp nguyên liệu ổn định ít nhất 2 năm, hợp đồng với đối tác xuất khẩu ổn định, quy định về cơ chế hỗ trợ quy hoạch vùng nguyên liệu...
VASEP kiến nghị Tổng cục Thủy sản không nên trình Chính phủ nghị định trên vào cuối tháng 12 tới mà nên dành nhiều thời gian hơn để hoàn thiện.
Bình luận (0)