Theo quy định, Việt Nam có quyền nộp đơn đề nghị tòa án thương mại quốc tế Mỹ trong vòng 30 ngày. “Việt Nam không bán phá giá tôm nên sẽ khởi kiện để yêu cầu phía Mỹ đưa mức thuế về 0%” - ông Hòe khẳng định.
Theo Phòng Xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), POR10 được áp dụng cho các lô tôm đông lạnh nhập khẩu vào Mỹ giai đoạn từ ngày 1-2-2014 đến 31-1-2015. Theo đó, các bị đơn tự nguyện sẽ phải chịu mức thuế chống bán phá giá là 4,78%, mức thuế suất toàn quốc là 25,76%; riêng Công ty Minh Phú được xác định là không bán phá giá (thuế suất 0%).
Như vậy, so với mức thuế cuối cùng của POR9 (công bố ngày 15-9-2015 cho giai đoạn từ ngày 1-2-2013 đến 31-1-2014, mức thuế cuối cùng của POR10 đã tăng lên đáng kể đối với các doanh nghiệp (DN) bị đơn từ 0,91% tới 4,78%.
Theo Cục Quản lý cạnh tranh, nguyên nhân chính dẫn tới biên độ phá giá tăng đáng kể trong POR10 là do DOC tiếp tục áp dụng phương pháp định giá phân biệt (differential pricing), cho phép DOC tái sử dụng phương pháp quy về không (zeroing) để tính toán biên độ phá giá. Ngoài ra, một nguyên nhân khác dẫn tới mức thuế suất của POR10 cao hơn là việc chọn giá trị thay thế và nước thay thế.
Trong các đợt rà soát hành chính tôm trước đây đối với Việt Nam, DOC thường lựa chọn Bangladesh làm nước thay thế để tính toán biên độ phá giá. Trong POR10, mặc dù DOC vẫn xác định Bangladesh là nước thay thế chính và sử dụng số liệu của nước này để định giá nguyên vật liệu đầu vào nhưng đối với một số đầu vào nhất định, DOC lại sử dụng giá trị của Ấn Độ, dẫn đến biên độ phá giá tăng lên cho các DN Việt Nam.
Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, nhìn nhận tôm Việt đang cạnh tranh yếu do giá thành cao cộng thêm việc tăng thuế chống bán phá, nhiều DN có thể không xuất tôm sang Mỹ.
Bình luận (0)