Doanh nghiệp (DN) đang khá lo lắng và mong muốn ý kiến của mình được lắng nghe.
Chờ đợi trong lo lắng
Ông Nguyễn Ninh, Giám đốc công ty xuất khẩu nông sản ở TP HCM, cho biết thực tế hiện nay lãi suất cho vay ngắn hạn đối với tiền đồng Việt Nam dao động trong khoảng 7%-9%/ năm, trong khi lãi cho vay đối với đồng USD chỉ 2,5%-4%/ năm. Tức là chi phí lãi vay bằng tiền đồng cao gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với việc được vay bằng ngoại tệ.
Hơn nữa, tỉ lệ vay vốn của các DN Việt hiện vẫn ở mức khá cao. Do đó tới đây, nếu các DN xuất khẩu không còn được hưởng vốn giá rẻ nhờ việc vay USD rồi chuyển sang tiền đồng thì rất khó để tiết giảm chi phí lãi vay. Điều này dẫn tới hệ quả là hàng hóa Việt khó có thể cạnh tranh được so với các đối thủ trong khu vực.
Nhiều quan điểm trái chiều về chuyện đóng cánh cửa vay ngoại tệ.
Đơn cử như trường hợp công ty của ông Ninh, trong năm 2016, thời điểm NHNN ngừng cho vay ngoại tệ, với nhu cầu vốn khoảng 8 triệu USD/tháng, công ty đã chuyển sang vay VNĐ với lãi suất 6-8%/năm, đẩy chi phí lãi lên 2,4 tỷ đồng, trong khi vay USD với lãi suất 3%/năm tiền lãi chỉ 800 triệu đồng. Đó cũng là lý do các DN có nguồn thu ngoại tệ thường tìm kiếm các khoản vay ngoại tệ để giảm chi phí tài chính. Vì vậy các DN mong muốn NHNN sẽ nối dài kênh vốn này trong năm tới.
Tuy nhiên, Thông tư 31 của NHNN chỉ có hiệu lực đến hết ngày 31-12-2017. Như vậy chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa thông tư trên sẽ hết hiệu lực, nếu NHNN không gia hạn thì DN xuất khẩu sẽ hết cơ hội được hưởng chính sách vay ưu đãi này. Trên thực tế trong mấy năm qua, NHNN đã nhiều lần cho rồi lại không cho vay ngoại tệ khiến DN hết sức lúng túng và không biết đâu sẽ là lần cuối.
Tính từ năm 2012 đến nay, NHNN đã 2 lần đóng cho vay ngoại tệ nhưng sau đó lại mở để tháo gỡ khó khăn cho DN xuất khẩu. Dù luôn nới thời hạn cho vay, nhưng sự tạm thời của quy định cho vay ngoại tệ đã khiến DN không thể biết được quyết định của NHNN cho năm tiếp theo.
Còn nhiều quan điểm trái chiều
Gần đây, NHNN đã đưa ra quan điểm rõ ràng về vấn đề tín dụng ngoại tệ. Cụ thể, do trước đây nền kinh tế tăng trưởng thấp, tổng cầu thấp nên NHNN hỗ trợ các đối tượng có nguồn thu ngoại tệ được vay vốn để hưởng mức lãi suất thấp, sau đó bán lại thành VNĐ mua máy móc, thiết bị, nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu và lấy ngoại tệ trả nợ. Tuy nhiên, hiện nay nền kinh tế tăng trưởng tốt, cầu tín dụng tăng trưởng trở lại, cầu về ngoại tệ cũng tăng cao, nên trong lộ trình chống đô la hóa cần chuyển dần từ quan hệ vay mượn sang quan hệ mua bán.
Tại buổi gặp gỡ kết nối giữa ngân hàng và DN mới đây tại TP HCM, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định đã nhiều lần NHNN muốn chấm dứt cho vay ngoại tệ nhưng do yêu cầu thực tế nên quy định này đã nhiều lần phải nới thời hạn cho đến nay. Bởi đúng là có những DN thuộc đối tượng ưu tiên, cần phải cho vay bằng ngoại tệ. Song cũng có một số DN thực chất không có nhu cầu vay ngoại tệ, không thuộc nhóm DN cần được ưu tiên nhưng vẫn được hưởng chung sự ưu đãi của chính sách vay ngoại tệ.
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, điều này cho thấy cuộc chơi đang diễn ra theo cách không bình đẳng giữa những người kinh doanh. Do đó, quy định cho vay ngoại tệ sẽ được siết lại chứ không phải để như bây giờ.
Dưới góc độ là người trực tiếp cho vay, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại lại cho rằng nếu các nhà điều hành kiên quyết khép cánh cửa cho vay ngoại tệ, chỉ cho vay bằng đồng Việt Nam thì buộc phải chấp hành. Tuy nhiên, nếu phân chia theo kiểu có DN xuất khẩu vẫn tiếp tục được vay, có DN lại không được phép thì có thể dẫn đến khả năng: Nhóm không đủ điều kiện được vay ngoại tệ sẽ tìm đủ mọi cách lách quy định để lọt vào danh sách được vay ngoại tệ. Khi đó mục tiêu đảm bảo sự công bằng trong kinh doanh như mong muốn của NHNN sẽ không thể thực hiện được” - vị tổng giám đốc ngân hàng trên cảnh báo.
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, hiện nay một số ý kiến cho rằng có cần thiết phải đặt vấn đề chấm dứt cho vay ngoại tệ để duy nhất VNĐ trong tín dụng hay không. Bởi lẽ, muốn làm được điều này, đòi hỏi phải tạo được niềm tin đối với VNĐ và thực hiện khéo để tránh gây tác dụng ngược. Nếu cấm cho vay ngoại tệ sẽ đẩy cầu tín dụng VNĐ tăng lên.
Thực tế thời gian qua tín dụng ngoại tệ đã chia sẻ bớt áp lực nên mới giảm được lãi suất cho vay VNĐ. Nếu chấm dứt cho vay ngoại tệ không những không thực hiện được mục tiêu giảm lãi suất, mà còn đẩy lãi suất vay VNĐ lên cao, gây ảnh hưởng đến DN.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng trước mắt có thể siết lại đối tượng vay, đưa vốn ngoại tệ đến đúng địa chỉ để giảm thiểu rủi ro. TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng để kiểm soát những DN lợi dụng chính sách cho vay ngoại tệ để trục lợi, NHNN cần có quy định cụ thể chứ không nên cấm tất cả DN vay. Ví dụ, chỉ những DN xuất khẩu có ít nhất 50% doanh thu bằng ngoại tệ thì mới được phép vay ngoại tệ. Nếu chặt chẽ hơn thì có thể đẩy tỉ lệ này cao hơn lên đến 75%.
“Nên gia hạn chương trình vay ngoại tệ thêm một năm nữa là hợp lý, có lợi cho xuất khẩu. Nếu chương trình cho vay ngoại tệ đột ngột dừng ngay vào ngày 31-12 tới đây chắc chắn sẽ khiến DN gặp bất lợi. Mặt khác, tỉ giá hiện vẫn được duy trì ổn định, hơn nữa vay bằng USD nhưng ngân hàng giải ngân bằng tiền đồng nên cho vay ngoại tệ trong bối cảnh hiện nay cũng không ảnh hưởng đến chủ trương chống đôla hóa nền kinh tế của Chính phủ” - TS Hiếu phân tích.
Bình luận (0)