Thị trường vay tiêu dùng mở rộng
Theo thống kê, thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam những năm gần đây tăng trung bình 20,4%/năm, cùng với đó là sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về chi tiêu, mua sắm. Mặc dù tín dụng tiêu dùng mới chỉ chiếm khoảng 7,3% tổng dư nợ, tuy nhiên, dịch vụ này đang được dự báo sẽ ngày càng phát triển do nhu cầu tiêu dùng, mua sắm, chi tiêu của người dân ngày càng tăng cao.
Tư vấn cho vay tiêu dùng. Ảnh: Quỳnh Hương
Đánh giá về tiềm năng của thị trường tài chính tiêu dùng, TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, nếu như trước đây, khi không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng, người dân chỉ còn cách là đi vay của người thân hoc tham gia thị trường “tín dụng đen”, thì nay vấn đề vay mượn đã trở nên dễ dàng hơn bởi sự đáp ứng vốn linh hoạt, đa dạng của các công ty cung cấp dịch vụ tài chính tiêu dùng.
Hiện tại trên thị trường có khoảng 6 công ty tài chính cung cấp dịch vụ vay tiêu dùng thông qua hình thức trả góp đang hoạt động mạnh mẽ và đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế. Gần đây nhiều ngân hàng thương mại cũng đã gia nhập vào lĩnh vực này thông qua hình thức như thành lập mới hoặc mua và cơ cấu lại các công ty tài chính đã có mặt trên thị trường.
Giới chuyên gia cho rằng khi nhiều tổ chức tài chính tham gia thị trường, người dân sẽ được hưởng thêm nhiều ưu đãi với dịch vụ ngày càng tốt hơn. Không chỉ vậy, khi mạng lưới bao phủ của các tổ chức tài chính cho vay tiêu dùng ngày càng mở rộng thì sẽ càng có nhiều người dân ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với các dịch vụ tài chính hiện đại.
Lãi suất cao có phải là trở ngại lớn nhất?
Trở ngại lớn nhất đối với dịch vụ cho vay tiêu dùng hiện nay chính là vấn đề lãi suất. Nhiều ý kiến nghi ngại, cho vay tiêu dùng với lãi suất cao có nguy cơ trở thành “đầu mối” của tín dụng đen. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa khẳng định tín dụng tiêu dùng hay hoạt động cho vay của các tổ chức tài chính không những không phải là tín dụng đen, mà còn là “cứu cánh” cho những “khách hàng” của nạn “tín dụng đen”.
“Chúng ta nên hiểu rằng, giải ngân nhanh bao giờ cũng đi kèm với rủi ro, rủi ro lớn thì lãi suất đương nhiên phải cao, như vậy mới đủ để bù đắp rủi ro do khoản vay đem lại. Cao ở đây là cao so với các khoản vay giá trị lớn, thời gian dài và có tài sản đảm bảo, chứ nếu so với những rủi ro tiềm ẩn của loại hình vay tiêu dùng tín chấp, thì lãi suất này mới chỉ đủ bù đắp cho chi phí vận hành”-TS Lê Xuân Nghĩa phân tích.
TS Nguyễn Đức Thành, đại diện Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng trong một nền kinh tế đang phát triển, việc vay mượn về cơ bản là hỗ trợ rất tốt đối với nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu tất yếu và tức thì của người dân trong cuộc sống hiện đại. Chính vì vậy, trong thời gian tới, chúng ta cần thúc đẩy loại hình tín dụng này phát triển hơn nữa. Một khi càng có nhiều công ty tài chính ra đời, đồng nghĩa có thêm nhiều sự cạnh tranh thì lãi suất cho vay tiêu dùng sẽ tự giảm theo cung-cầu thị trường. Có như vậy mới thúc đẩy phát triển tiêu dùng, và thông qua đó góp phần đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước.
Bình luận (0)