Tại dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 24/2015/TT-NHNN về cho vay ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng (NH) nước ngoài đang được lấy ý kiến, NH Nhà nước sẽ tiếp tục siết đối tượng doanh nghiệp (DN) được vay ngoại tệ. Quy định này nhằm mục tiêu giảm đôla hóa nền kinh tế, từng bước chuyển dần từ quan hệ huy động - cho vay sang mua bán ngoại tệ.
Siết đối tượng vay
Theo đó, việc cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa phục vụ nhu cầu trong nước khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ trả nợ sẽ được thực hiện đến hết ngày 31-3-2019. Với cho vay trung, dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng có đủ nguồn ngoại tệ trả nợ vay sẽ được thực hiện đến hết ngày 30-9-2019.
Việc tiếp cận nguồn tín dụng USD ở ngân hàng của doanh nghiệp sẽ ngày càng khó hơn nếu thông tư mới được ban hành Ảnh: TẤN THẠNH
Riêng với các DN có nhu cầu vay USD ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu và có đủ nguồn thu ngoại tệ để trả nợ; nhu cầu vay ngoại tệ để thanh toán chi phí trong nước thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu sẽ không bị giới hạn thời gian cho vay như trước. Quy định này nhằm tiếp tục hỗ trợ DN và nền kinh tế, giảm chi phí vay vốn từ đó hỗ trợ tăng khả năng cạnh tranh.
Theo lý giải của ban soạn thảo, những thay đổi này nhằm thực hiện lộ trình kiểm soát cho vay ngoại tệ theo hướng thu hẹp nhu cầu vay vốn. Số liệu tín dụng những tháng đầu năm 2018 cho thấy cho vay ngắn hạn bằng USD liên tục tăng qua các tháng, cao hơn nhiều cùng kỳ. Nguyên nhân là do tỉ giá USD/VNĐ ổn định, lãi suất vay USD ở mức thấp hơn so với VNĐ khiến DN thích vay ngoại tệ hơn.
Áp lực lớn cho doanh nghiệp
Ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), cho biết với quy định mới của NH Nhà nước, các DN có nhu cầu vay ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ về bán trong nước hoặc DN nhập khẩu máy móc, thiết bị… có thể bị ảnh hưởng nhưng về lâu dài, chính sách này có lợi cho việc điều chỉnh tỉ giá. Thời gian đầu, chi phí vốn đầu vào của những DN không còn được vay ngoại tệ sẽ tăng do phải chuyển sang vay VNĐ lãi suất cao hơn vay USD nhưng nếu tỉ giá ổn định thì cũng không quá lo. Hiện một số NH cũng giảm dần tín dụng ngoại tệ, khuyến khích DN chuyển sang vay VNĐ.
Ông Phạm Hải Long, Tổng Giám đốc Công ty Nông sản Agrex Sài Gòn, cho rằng việc siết thêm đối tượng được vay ngoại tệ chắc chắn sẽ tác động đến các DN phải nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào để làm hàng trong nước hoặc DN nhập hàng hóa, dịch vụ về bán trong nước... Trong bối cảnh áp lực tỉ giá tăng như hiện nay, nỗi lo này sẽ lớn hơn. Còn với DN xuất khẩu, tiếp tục được vay ngoại tệ và bỏ quy định về thời hạn sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc duy trì chi phí đầu vào để cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
"Hiện chúng tôi đang vay USD nhập nguyên liệu làm hàng xuất khẩu với lãi suất khoảng 3,5%/năm, vay ngắn hạn. Đổi lại, DN có nguồn thu ngoại tệ sau khi xuất khẩu nên không bị áp lực về chi phí vay vốn" - ông Long nói.
Tổng giám đốc một DN trong ngành nhựa xuất khẩu cho rằng dù lãi suất vay USD đã nhích lên đáng kể so với trước và đang ở mức 4%-5%/năm, vẫn thấp hơn nhiều so với lãi suất cho vay bằng VNĐ khoảng 7%-9%/năm trong ngắn hạn. Do đó, các DN xuất nhập khẩu được vay ngoại tệ sẽ có lợi thế, giảm chi phí đầu vào. Nay chính sách của NH Nhà nước tiếp tục hạn chế thêm đối tượng được vay ngoại tệ là các DN nhập khẩu hàng hóa để phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong nước sẽ khiến các DN này chịu áp lực tăng chi phí.
Cần hỗ trợ lãi suất để mua USD
Theo lãnh đạo một số NH thương mại, để chuyển dần quan hệ tín dụng từ vay mượn ngoại tệ sang mua bán, cần sự hỗ trợ của NH Nhà nước trong thời gian đầu nhằm tạo thuận lợi cho DN vay VNĐ để mua USD, hỗ trợ tổ chức tín dụng sẵn sàng bán ngoại tệ cho DN nhập khẩu. Cần thêm chính sách hỗ trợ lãi suất vay VNĐ để mua USD với những DN nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh...
Bình luận (0)