Ngày 8-10, tại hội nghị sơ kết 9 tháng đầu năm, kết quả xuất khẩu gạo tháng 9 và tình hình xuất khẩu gạo cuối năm 2010, tổ chức tại TPHCM, nhiều doanh nghiệp (DN) bức xúc về việc Hiệp hội Lương thực VN (VFA) cung cấp thông tin thiếu chính xác về thị trường lúa gạo, dẫn đến bất lợi cho DN lẫn nông dân.
Doanh nghiệp đủ hàng trong kho mới đăng ký xuất khẩu gạo. Ảnh: NGỌC TRINH
Nghe ngóng là chính
“Giá gạo của mình không ổn định, khi giá xuống thì tuột không phanh, còn lên cũng quá nhanh. Đây là điểm yếu của giá gạo VN, trong khi Thái Lan điều chỉnh giá lên xuống rất hợp lý. Khi giá gạo xuống thì họ cương quyết không bán, chờ giá lên như hiện nay mới bán ra”- ông Lê Việt Hải, Giám đốc Công ty Mekong Cần Thơ, cho biết. Cũng theo ông Hải, thông tin thị trường gạo thế giới cũng như trong nước không đầy đủ và kịp thời. Khi giá thế giới có xu hướng tăng thì DN không biết nên ký hợp đồng xuất khẩu với giá thấp. Khi giá thế giới xuống, cũng không biết lại đòi ký giá cao nên không ai mua.
Nhiều DN khác cũng kiến nghị VFA cần học hỏi cách điều hành xuất khẩu gạo của Thái Lan, không nên đưa những thông tin theo kiểu đoán mò làm khó cho DN, đơn cử như thông tin “nghe nói” Indonesia sẽ xuất khẩu 1 triệu tấn gạo nhưng trên thực tế họ không xuất hột nào mà còn phải nhập 500.000 tấn. Các DN cũng yêu cầu VFA hằng tuần nên công khai thông tin về số lượng, loại gạo ký hợp đồng.
Theo ông Cao Minh Lãm, Chủ tịch HĐQT Công ty XNK An Giang, VFA nên cập nhật thông tin số lượng, chủng loại gạo và giá cả để DN quyết định, tránh tình trạng ký bừa rất tai hại, không chỉ DN lỗ mà nông dân cũng lỗ. Ông Nguyễn Hùng Linh, Giám đốc Công ty Du lịch TM Kiên Giang, đề nghị VFA chủ động kiểm tra các nhà nhập khẩu gạo ở các nước để có định hướng chính xác chứ không nên ngồi ở nhà nghe ngóng.
Tại hội nghị, nhiều DN cũng kiến nghị VFA bỏ giá sàn gạo cấp cao (loại gạo 5% tấm). Vì với mức giá sàn lên đến 475 USD/tấn, DN không thể cạnh tranh với các đối thủ đến từ Thái Lan đang tung hàng tồn kho (loại gạo 5% tấm, chất lượng cao hơn) ra thị trường với số lượng lớn, giá bán 470 USD- 475 USD/tấn.
Tránh kiểu làm ăn chụp giựt
Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, thừa nhận thời điểm tháng 6 và 7-2010, VFA đã phản ứng chậm trước những diễn biến của thị trường gạo thế giới. Tuy nhiên, do một số DN có phần nôn nóng hết “quota” nên ký hợp đồng xuất khẩu nhiều, sau đó giá lên cao phải hủy hợp đồng. Ông Phong dẫn chứng hiện có 264 DN tham gia xuất khẩu gạo, trong đó chỉ có 48 DN có hoạt động xuất khẩu đúng nghĩa, còn 162 DN làm ăn theo kiểu chụp giựt (có DN chỉ xuất vài ba tấn gạo), ký hợp đồng xuất khẩu vô tội vạ nhưng lại không có gạo trong kho, gây náo loạn thị trường.
Theo ông Phong, từ nay đến cuối năm 2010, các loại gạo có phẩm cấp trung bình (gạo 15% tấm, 20% tấm, 25% tấm và gạo tấm) có thể thiếu hàng do có nhiều hợp đồng xuất khẩu. Do đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo VFA kiểm tra các DN có đủ gạo trong kho hay không mới cho đăng ký hợp đồng xuất khẩu. Vì thời gian gần đây, nhiều DN không có đủ hàng để xuất, đồng thời giá gạo tăng cao nên đã bỏ chạy (số lượng lên đến hàng trăm ngàn tấn).
Giá gạo sẽ còn tăng
VFA cho biết tính đến thời điểm này, hợp đồng xuất khẩu đã ký lên đến 6,8 triệu tấn gạo. Tình hình lương thực thế giới cho thấy cung ít hơn cầu nên giá gạo sắp tới sẽ tiếp tục tăng. Châu Phi không còn hàng tồn kho. Indonesia cũng vừa ký hợp đồng mua 300.000 tấn gạo của VN với giá tốt. Trong tháng 9 -2010, Cuba cũng đã ký mua thêm 200.000 tấn gạo của Việt Nam.
Philippines trước đây có nhu cầu nhập 1 triệu tấn thì nay tăng lên 1,5 triệu tấn và sẽ tổ chức đấu thầu nhập khẩu gạo vào tháng 11 và 12 -2010. Từ nay đến cuối năm, Iraq có nhu cầu nhập thêm 350.000 tấn, trong khi sản lượng thu hoạch gạo của Ấn Độ giảm nên quốc gia này không có khả năng xuất khẩu.
Riêng tháng 9-2010, các DN đã xuất khẩu được 614.750 tấn gạo. Lũy kế xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2010 là 5,4 triệu tấn gạo, tăng 12,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Theo VFA, kết quả mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ hè thu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các DN đã thu mua được 972.055 tấn, đạt 97,21% so với kế hoạch. |
Bình luận (0)