Thị trường đi lên cùng với xu hướng giảm nhanh của lãi suất huy động đã kích hoạt dòng tiền nhàn rỗi chảy vào chứng khoán nhiều hơn, không ít nhà đầu tư đã quay trở lại thị trường, rót thêm tiền mua cổ phiếu hoặc số lượng nhà đầu tư mới mở tài khoản chứng khoán cũng gia tăng…
Trong bối cảnh này, nhà đầu tư cần lưu ý những điều gì để tránh mắc sai lầm kinh điển trên thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm?
Ông Nguyễn Nhật Khánh, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chi nhánh Hội sở - Công ty Chứng khoán Mirae Asset, chia sẻ có muôn vàn "cạm bẫy" trên thị trường chứng khoán được chia làm 2 nhóm chính: là chủ động (bị người khác lừa) và thụ động (tự sa vào bẫy). Khuôn khổ bài viết xin được đề cập các "bẫy" thụ động, tức là chúng ta có thể tránh bằng tư duy đầu tư đúng đắn.
Thứ nhất, lỗi nghiêm trọng và dễ mắc phải nhất là nhà đầu tư phân bổ tài sản không hợp lý, phân bổ tiền chưa đúng chỗ. Thị trường chứng khoán là kênh đầu tư rủi ro cao, thậm chí rất cao khả năng mất 50-70% phần vốn cho kênh này ở các giai đoạn thị trường biến động là bình thường (chẳng hạn giai đoạn nửa cuối 2022).
Nếu từng tham gia thị trường trước đó và có lãi nhiều, nhà đầu tư thường khả năng cao sẽ muốn dịch chuyển tài sản từ những kênh khác sang chứng khoán, và khi thị trường rơi mạnh thì đồng nghĩa nguy cơ rủi ro tăng lên.
Có 5 lỗi sai kinh điển được chuyên gia chỉ ra, khuyến nghị nhà đầu tư cần tránh khi đầu tư chứng khoán
Thứ hai, sai lầm trong dùng đòn bẩy tài chính (margin) hoặc dùng tiền vay để đầu tư. Cạm bẫy này khá dễ mắc phải khi thị trường đang có mức sinh lời cao, thường là ở giai đoạn lãi suất thấp (thời kỳ tiền rẻ) nên nhà đầu tư có xu hướng tối ưu lợi nhuận bằng nợ vay. Đây là điều hết sức rủi ro, khi thị trường vào sóng giảm, những gì còn lại bên họ sẽ là những món nợ dài hạn
Thứ ba là hiệu ứng FOMO: 99,99% nhà đầu tư là nạn nhân của hiệu ứng này, gọi nôm na là sợ mất phần. Như cái tên mô tả, vì sợ thiệt thòi nên nhà đầu tư sẽ "nhắm mắt" hành động, đôi khi tranh mua cổ phiếu một cách bất chấp, liều lĩnh thiếu những đánh giá cần thiết dẫn đến hậu quả mọi người thường gọi là "đu đỉnh".
Phần lớn nhà đầu tư cá nhân ở Việt Nam đều mang tâm lý này, do đó dễ trở thành miếng mồi ngon cho những "tay to" hoặc "cá mập" (từ để ám chỉ những nhà đầu tư có số vốn lớn và có khả năng thao túng giá cổ phiếu theo nhiều hình thức) luôn chực chờ trục lợi từ họ.
Thứ tư chính là thiếu phương pháp đầu tư hoặc giao dịch, hành động theo cảm tính: Đây là hậu quả của hiệu ứng FOMO, hành động vội và và cảm tính nên không đúc kết được bài học, cả quá trình dài đầu tư chỉ là chuỗi hành động ngẫu nhiên…
Cuối cùng, nhà đầu tư thường bình quân giá giảm theo "lời khuyên" của người tư vấn. Cụ thể, nhà đầu tư cố "gồng" lỗ và cứ mua thêm mỗi khi giá chứng khoán rơi xuống một vùng đáy mới là điều cực kỳ rủi ro. Dù nhà đầu tư có đúng bao nhiêu lần trước đó nhưng với 1 lần thua lỗ cũng sẽ thiệt hại nặng, rất nặng. Chẳng hạn, một cổ phiếu tốt đầu ngành thép từng rơi từ vùng giá 4x về mức đáy 12.000 đồng/cổ phiếu (mất khoảng 75% giá trị), và nhà đầu tư sẽ không đủ vốn để "cân giá" từng đó số lần ra quyết định sai…
Bình luận (0)