Lúc 10 giờ 45 ngày 8-9, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng SJC mua vào 68,2 triệu đồng/lượng, bán ra 68,9 triệu đồng/lượng, tăng 550.000 đồng/lượng so với hôm qua.
Tập đoàn DOJI còn đẩy giá vàng SJC lên sát mốc 69 triệu đồng/lượng, quanh 68,15 triệu đồng/lượng mua vào, 68,95 triệu đồng/lượng bán ra.
Đây là mức tăng cao nhất của giá vàng trong những ngày qua. Đồng thời, biến động này cũng giúp vàng SJC đang ở vùng cao nhất trong năm 2023, vượt cả vùng giá cao của dịp Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng vừa qua).
Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại cũng tăng lên 56,15 triệu đồng/lượng mua vào, 57,15 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 100.000 đồng mỗi lượng so với hôm qua nhưng không mạnh bằng vàng SJC.
Giá vàng SJC sắp chạm mốc 69 triệu đồng/lượng
Lý giải cho đà tăng giá bất ngờ này của vàng SJC, một số chuyên gia và doanh nghiệp vàng cho biết sức mua vàng SJC có tăng nhưng không đột biến. Có điều, nguồn cung vàng SJC khan hiếm nên chỉ cần sức mua cao hơn sẽ khiến giá vàng tăng mạnh, thậm chí là có tình trạng đẩy giá lên cao.
Chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho biết vàng SJC tăng vẫn có yếu tố đến từ dòng tiền nhàn rỗi và tiền đầu tư của người dân gửi tiết kiệm lãi suất cao thời gian qua, nay lãi suất tiền gửi giảm nhanh nên khi tới đáo hạn, họ có thể chuyển một phần sang mua vàng.
"Sức mua vàng nhẫn 24K vẫn nhiều hơn vàng SJC nhưng do nguồn cung vàng miếng khan hiếm vì gần chục năm nay không được nhập khẩu vàng để dập mới nên giá tăng nhanh hơn. Chưa kể, những người có vàng SJC thấy giá cao cũng không vội bán vàng, càng khiến thị trường khan hiếm hơn" - ông Trần Duy Phương lý giải.
Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới NPJ, cũng cho rằng giá vàng SJC tăng chủ yếu do tâm lý, sức mua không mạnh nhưng không ai bán ra nên đẩy giá vàng miếng lên cao. Trên thị trường quốc tế, nỗi lo lạm phát ở nhiều nước khiến nhu cầu mua vàng dự trữ tăng. Như Nhật Bản, thống kê cho thấy một bộ phận người dân chuyển sang mua vàng để tích trữ và đầu tư dài hạn.
Bình luận (0)