Những ngày gần đây, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết mức chiết khấu (hoa hồng) của xăng giảm xuống mức quá thấp khiến họ không đủ để trang trải các chi phí kinh doanh, dẫn đến thua lỗ. Thậm chí, một số cửa hàng chỉ nhập được một lượng xăng hạn chế để bán.
Một doanh nghiệp mới đây đại diện cho một số nhà bán lẻ khác đã gửi đơn tới Thủ tướng và các bộ ngành để phản ánh tình trạng bấp bênh, thua lỗ và khó khăn về tài chính do thường xuyên bị chiết khấu 0 đồng. Nguyên nhân là các đầu mối phân chia chi phí kinh doanh định mức trong giá thành cơ sở xăng dầu không đúng quy định, chèn ép các doanh nghiệp bán lẻ.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, các doanh nghiệp xăng dầu cho biết họ thường xuyên bị các đầu mối xăng dầu chiết khấu chỉ 200-400 đồng/lít, mức này chỉ đủ chi phí vận chuyển ở khu vực gần, còn nơi xa thì không thấm vào đâu. Chẳng hạn ngay tại khu vực TP HCM phí vận chuyển xăng dầu là 150 đồng/lít, còn từ TP HCM đến Bình Dương tăng lên 250 đồng/lít, từ TP HCM đến Bình Phước là 400 đồng/lít, còn khu vực xa hơn chi phí này đội lên tới 700-800 đồng/lít.
Trong khi đó, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu còn phải chịu rất nhiều chi phí như lương bổng cho nhân viên, hao hụt xăng dầu, điện nước, mặt bằng, lãi suất ngân hàng…
Theo doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, mỗi lít xăng dầu cần mức chiết khấu 800-1.000 đồng mới đủ chi phí hoạt động (chưa có lợi nhuận).
Cửa hàng xăng dầu đang rơi vào tình trạng lỗ do mức chiết khấu quá thấp
Đáng nói là những tháng trước, mỗi lít xăng dầu doanh nghiệp bán lẻ được hưởng mức chiết khấu khoảng 1.500 đồng/lít. Tuy nhiên sau 2 kỳ điều chỉnh giá xăng dầu gần đây, mỗi lần giảm cả ngàn đồng/lít đã làm cho doanh nghiệp xăng dầu đầu mối rơi vào tình trạng bị lỗ từ nguồn hàng đã nhập với giá cao trước đó. Do đó, họ đã điều chỉnh giảm mức chiết khấu và cố gắng hạn chế bán ra để kỳ vọng giá bán lẻ có thể tăng trở lại vào kỳ điều hành tới.
Bà Hà Thị Kim Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Hiệp Phú (Bình Dương), cho rằng để bảo đảm các trạm xăng dầu hoạt động bình thường, Bộ Công Thương và Bộ Tài Chính cần tính đúng, tính đủ các chi phí trong công thức giá cơ sở để phân chia mức chiết khấu tối thiểu cho các đại lý bán lẻ.
"Mức chiết khẩu tối thiểu phải từ 6%-7% trên giá bán lẻ mới giúp cây xăng có chi phí hoạt động" - bà Thanh lý giải.
Cùng quan điểm, ông Đặng Đức Hoàng, Giám đốc Công ty Xăng dầu 28, cũng nhắc đến việc tính đúng, tính đủ các chi phí trong công thức giá cơ sở nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu mối có lợi nhuận, từ đó để họ chia sẻ chiết khấu cho toàn hệ thống phân phối.
Còn theo đại diện Công ty CP DV Nông nghiệp Bình Thuận, bà Trần Thị Hường, cần phải quy định về mức chiết khấu (lợi nhuận định mức) trong kinh doanh xăng dầu, tức phải có tỉ lệ phần trăm trên mỗi lít xăng cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu mới bảo đảm thị trường vận hành ổn định.
Bình luận (0)