Theo quy định của Luật du lịch, tất cả các chuyến du lịch nước ngoài thông qua tổ chức du lịch đều bắt buộc phải có bảo hiểm du lịch (BHDL) toàn cầu trong suốt chuyến đi. Đối với cá nhân hoặc tổ chức tự đi du lịch thì không bắt buộc mà theo quy định của từng quốc gia đến.
Chỉ mua để đáp ứng yêu cầu visa
Tuy nhiên trong thực tế, tính tuân thủ về BHDL của du khách Việt Nam còn rất hạn chế. Phần lớn khách du lịch Việt Nam chỉ mua BHDL để đáp ứng yêu cầu visa hoặc người già đi theo tour. Theo nghiên cứu của các Cty bảo hiểm, hiện nay có khoảng 30% người Việt Nam mua BHDL. 70% du khách còn lại không mua BHDL vì không nhận biết được quyền lợi hoặc để… tiết kiệm chi phí. Đại diện một hãng hàng không cho biết mỗi năm đều có có không ít cuộc gọi đến tổng đài của hãng để yêu cầu huỷ mua BHDL mà khách đã vô tình nhấn "chọn" khi đặt vé, mặc dù khoản chi phí này chỉ có vài chục nghìn đồng/khách đối với đường bay nội địa và hơn trăm nghìn đồng/khách đối với đường bay quốc tế.
Về phía các công ty du lịch cũng thường chỉ mua bảo hiểm ở mức tối thiểu nên du khách khi gặp rủi ro sẽ không được hỗ trợ hoàn toàn và có nhiều thứ bị loại trừ, mức bồi thường không cao.
Trên thị trường hiện có rất nhiều sản phẩm BHDL của các doanh nghiệp trong và ngoài nước với mức phí bảo hiểm rất thấp. Ví dụ du lịch nội địa, chi phí bảo hiểm thấp nhất chỉ 1.500 đồng/người/ngày nhưng được đền bù tối đa khi có tai nạn xảy ra là 10 triệu đồng. Các mức bảo hiểm cao hơn như 3.000 đồng/người/ngày; 4.500 đồng/người/ngày sẽ có mức bồi thường cao hơn. Đối với du lịch nước ngoài, mức phí cao hơn và khác nhau tùy thuộc vào điểm đến và thời gian đi. Mỗi rủi ro xảy ra có các mức phí khác nhau cho khách du lịch lựa chọn mua.
Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"
Theo các công ty bảo hiểm, số tiền mua bảo hiểm chỉ chiếm khoảng 1% tổng chi phí chuyến đi nhưng tâm lý hành khách vẫn muốn tiết giảm khoản chi phí này. Chỉ tới khi bị thiệt hại về sức khỏe hoặc hành lý, nhiều du khách mới hiểu rằng, chỉ cần chi thêm một khoản tiền rất nhỏ họ đã có thể tránh được những phiền toái đôi khi làm hỏng cả chuyến du lịch. Đối với mỗi chuyến đi đều tiềm ẩn những sự cố bất ngờ có thể xảy ra từ sự thay đổi về múi giờ, khí hậu, thời tiết, vấn đề thủ tục, đi lại, ăn uống cho đến những rủi ro về sức khoẻ, tai nạn… Vì vậy, BHDL luôn được coi như giấy thông hành quan trọng thứ hai, sau hộ chiếu đối với những khách hàng phải thường xuyên di chuyển. Du khách không nên tiếc tiền bảo hiểm du lịch vì chi phí mua không lớn, nếu xảy ra vấn đề sẽ tốn rất nhiều chi phí nhất là đi du lịch nước ngoài.
Các công ty lữ hành khuyến cáo khi mua BHDL, khách hàng nên tìm đến các đơn vị bán bảo hiểm uy tín bằng cách tìm hiểu nhiều hãng để có thêm thông tin, xác định rủi ro nào ưu tiên, thời hạn bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, mức bồi thường, các trường hợp được bảo hiểm, thủ tục bảo hiểm… Qua đó, sẽ có những đánh giá và quyết định phù hợp với nhu cầu cũng như túi tiền của mình. Ngoài ra, các công ty du lịch, đại lý vé máy bay, hãng hàng không cũng hỗ trợ khách hàng mua BHDL các thông tin cần thiết về dịch vụ này.
Với mong muốn khách hàng được an tâm trọn vẹn trên mỗi chuyến đi, Vietnam Airlines cho biết sẽ phối hợp với Công ty CP Bảo hiểm dầu khí Việt Nam (PVI) chính thức ra mắt Bảo hiểm du lịch TripCARE vào giữa tháng 10-2017. Bảo hiểm TripCARE sẽ cung cấp giải pháp toàn diện cho hành khách với các trường hợp bảo vệ trải rộng từ tai nạn, ốm đau, mất giấy tờ đến thay đổi lịch trình bay ngoài ý muốn. Khách hàng có thể chọn mua bảo hiểm khi mua vé máy bay trên website của Vietnam Airlines.
Bình luận (0)