Ngày 17-12, một thông cáo được phát đi từ Ngân hàng Nhà nước cho biết phiên họp lần thứ nhất nhằm triển khai “Quy chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô” của cơ quan này với ba bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương đã được tổ chức.
Bản thông cáo nêu khá cụ thể về mục tiêu và nguyên tắc phối hợp giữa bốn cơ quan nói trên, song không đề cập nội dung được bàn thảo tại phiên họp đầu tiên này.
Tuy nhiên, một nguồn tin của báo VnEconomy cho biết một số nội dung phối hợp điều hành vĩ mô trong quý I/2015 đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu và đề nghị ba bộ còn lại thảo luận thêm.
Dự báo mới là giả định
Tác động của giá dầu đến khai thác dầu thô và tăng trưởng kinh tế là vấn đề quan trọng được đề cập trong phiên họp.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2014 Việt Nam khai thác được trên 15 triệu tấn dầu thô. Chi phí khai thác dầu thô ở Việt Nam dao động từ mức 30 đến 70 USD/thùng.
Câu hỏi được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra là: mức giá dầu thô nêu trên ảnh hưởng như thế nào đến sản lượng khai thác trong thời gian tới và cơ cấu lại các mỏ?
Việc cần bàn và cần làm, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là rà soát ảnh hưởng của giá dầu hiện tại đến hiệu quả của các mỏ dầu khí đang khai thác, đề xuất các phương án giảm thiểu rủi ro, lựa chọn phương án hợp lý.
Với cơ cấu về tỉ trọng khai khoáng chiếm khoảng 11% GDP, trong đó dầu thô chiếm khoảng 70-80%, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giả định nếu ngành khai thác dầu phải cắt giảm 30% sản lượng thì sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế, tăng trưởng GDP có thể suy giảm từ 0,8 điểm phần trăm đến 1,2%.
Còn theo mô hình dự báo, nếu giá xăng dầu trong nước giảm 10% thì chi phí sản xuất giảm 0,57%, CPI giảm 0,55%, kinh tế tăng thêm 0,91%.
Tuy nhiên, những dự báo trên đều là giả định, cần có sự phối hợp của các bộ ngành để xem xét thêm các yếu tố tác động xung quanh giá dầu lên tăng trưởng kinh tế, vẫn theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Ngân sách có thể giảm nhiều
Với tỷ lệ khoảng 11-12% tổng thu ngân sách nhà nước từ dầu thô, giá dầu thô theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là có ảnh hưởng lớn đến ngân sách cả về xuất khẩu và nhập khẩu.
Năm 2015, dự toán thu ngân sách từ dầu thô là 93 ngàn tỉ đồng với giá dự toán dầu thô là 100 USD/thùng.
Nêu tính toán sơ bộ: nếu giá dầu giảm 1 USD/thùng, ngân sách sẽ hụt thu khoảng 1.000 - 1.200 tỉ đồng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán, nếu giá dầu giảm từ trên 100 USD/thùng đầu năm 2014 xuống còn khoảng bình quân 70 USD/thùng trong năm 2015, thì ngân sách hụt thu khoảng 30.000 tỉ đồng.
Dĩ nhiên, nếu giá dầu giảm xuống bình quân 60 USD/thùng thì ngân sách sẽ giảm nhiều hơn nữa.
Trong vai trò chủ trì phối hợp liên ngành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ phối hợp tính toán tác động của giá dầu thô đến nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, và có phương án để bù đắp lại các khoản thiếu hụt nêu trên.
Quan điểm của Bộ là ngoài việc tăng thuế nhập khẩu xăng dầu, cần tính toán điều phối lợi nhuận của các doanh nghiệp chế biến và kinh doanh xăng dầu…
Bên cạnh giá dầu và tác động của nó, phiên họp còn đề cập một số nội dung quan trọng khác trong điều hành kinh tế vĩ mô.
Bình luận (0)