Cụ thể, vào ngày 10-3 vừa qua, 4 chú heo con đã chào đời khỏe mạnh, phát triển tốt từ công nghệ này, khẳng định bước tiến vượt bậc về khoa học và công nghệ của Việt Nam trong lĩnh vực nhân bản động vật.
Theo TS Phạm Công Thiếu, Viện trưởng Viện Chăn nuôi, thành tựu này đã mở ra hướng nghiên cứu mới về ứng dụng công nghệ nhân bản động vật trong chọn giống, bảo tồn các loài động vật có giá trị cao, động vật quý hiếm. Đồng thời, có thể kết hợp với công nghệ chỉnh sửa gien để tạo ra các giống vật nuôi có năng suất cao, có khả năng kháng bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, có thể tạo ra những con heo nhân bản theo ý muốn, phục vụ việc cấy ghép nội tạng trong tương lai.
Những chú heo ỉ vô tính đầu tiên của Việt Nam ra đời khỏe mạnh, phát triển tốt. Ảnh: VĂN GIANG
Nhân bản hay nhân bản vô tính ở động vật là các cá thể có thể được tạo ra từ một tế bào lấy từ nguyên bản gốc mà không phụ thuộc quá trình thụ tinh. Năm 1979, các nhà nghiên cứu đã tạo ra những con chuột giống hệt nhau về mặt di truyền đầu tiên bằng cách tách phôi chuột trong ống nghiệm.
Đến nay đã có trên 20 loài động vật khác nhau được nhân bản như: cừu, mèo, hươu, nai, chó, trâu, heo, ngựa, la, bò, thỏ và chuột… với số lượng ngày càng nhiều. Trong đó, nổi tiếng có chú cừu Dolly được các nhà khoa học Scotland tạo ra năm 1996.
Bình luận (0)