Nhiều loại trái cây từ Thái Lan trùng với hàng của nông dân trong nước như: măng cụt, chôm chôm, thơm (dứa)… vẫn được nhập khẩu với số lượng lớn, cạnh tranh trực tiếp với nông sản trong nước.
Măng cụt, thơm Thái Lan tràn ngập
Thống kê cho thấy năm 2019, Việt Nam đã chi 1,75 tỉ USD để nhập rau quả. Trong đó, Thái Lan là thị trường Việt Nam nhập khẩu rau quả nhiều nhất với kim ngạch 464,2 triệu USD. Những loại trái cây nhập khẩu từ Thái Lan phổ biến gồm: măng cụt, chôm chôm, bòn bon, mây, me, sầu riêng,…
Thơm mini Thái Lan là loại trái cây mới được nhập về Việt Nam và nhanh chóng lấy lòng người tiêu dùng thích ăn vặt. Loại quả này đang được bán nhiều tại các vỉa hè TP HCM với giá đắt gấp 2-3 lần thơm trong nước nhờ vị ngọt thanh, ăn không rát lưỡi.
Trái cây Thái Lan tràn xuống đường ở TP HCM
Theo Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, từ tháng 5, mỗi ngày có khoảng 10 tấn trái cây Thái Lan về chợ gồm măng cụt, bòn bon và me.
Còn tại chợ đầu mối Thủ Đức, từ đầu mùa (ngày 15-3) đến giữa tháng 5, đã có 1.145 tấn măng cụt Thái Lan nhập chợ, giá bán sỉ đầu mùa từ 45.000-50.000 đồng/kg, nay giảm còn 21.000-40.000 đồng/kg, áp đảo về số lượng so với hàng trong nước. Theo đại diện Công ty Quản lý chợ đầu mối Thủ Đức, bòn bon Thái cũng về chợ với số lượng lớn, lên đến 56 tấn/ngày, đến giữa tháng 5 đã có 791 tấn về chợ. Riêng mặt hàng thơm mini Thái, năm nay lần đầu chợ ghi nhận hàng về đây với số lượng khoảng 117 tấn.
"Cùng một mặt hàng, nếu so về chất lượng hàng loại 1 của Việt Nam hơn hẳn Thái Lan do có vị đậm đà, kết hợp giữa ngọt và chua, trong khi hàng Thái Lan chỉ có vị ngọt. Nhưng xét về tổng thể, trái cây Thái Lan hơn ở khâu sơ chế, đóng gói, họ phân loại hàng 1 - 2 - 3 rất rõ ràng, tiểu thương lấy hàng về cũng dễ bán" - đại diện Công ty Quản lý chợ đầu mối Thủ Đức nhìn nhận.
Chủ một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu trái cây cho hay hàng Thái Lan đồng đều về mẫu mã, chất lượng, giá về Việt Nam rẻ do thuế nhập khẩu 0%, vận chuyển gần. "Trái cây Việt Nam đậm đà hơn nhưng phải người sành mới chọn được quả ngon, khi mua sỉ vẫn còn tình trạng hàng trên bề mặt thì ngon, bên dưới kém chất lượng, trong khi hàng nhập khẩu không có tình trạng này" - chủ doanh nghiệp này thẳng thắn nhận xét.
Khó cho nông dân trong nước
TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho rằng người tiêu dùng Việt Nam thích trái cây có mẫu mã đẹp vì hay dùng để cúng. Thái Lan có nhiều giống trái cây tốt hơn Việt Nam nên có hình thức đẹp, giá rẻ lại càng dễ thu hút người tiêu dùng. Bây giờ Việt Nam hội nhập, với hàng Thái Lan không có hàng rào thuế quan, chỉ có hàng rào kỹ thuật, bảo đảm an toàn thực phẩm. Đây là vấn đề khó của nông dân Việt Nam khi thiếu giống cây trồng tốt, sản xuất còn nhỏ lẻ.
"Để thay đổi, cần phải tổ chức lại theo hướng sản xuất lớn thì mới nâng chất lượng, hạ giá thành, nâng tính cạnh tranh. Nhưng đây là vấn đề rất khó, cần nhiều thời gian cũng như tiền của mới thay đổi được" - TS Võ Mai phân tích.
Theo "vua quýt đường" Lê Văn Phấn (Bình Dương), lão nông có 60 ha đất trồng cây ăn trái, năm nay tiêu thụ trái cây khó khăn, giá rẻ do xuất khẩu sang Trung Quốc bị hạn chế. Ngay cả ở thị trường nội địa, trái cây Việt đang bị cạnh tranh gay gắt bởi hàng ngoại. Do đó, nhiều nhà vườn sẽ gặp cảnh thua lỗ hoặc chỉ thu hồi được vốn đầu tư, không có lãi.
Các vườn cây ăn trái ở Việt Nam có diện tích nhỏ nên giá thành sản xuất cao, chưa kể nhiều chủ vườn không nắm được kỹ thuật nên sử dụng nhiều phân thuốc, rất tốn kém, lại có nguy cơ tồn dư hóa chất trên sản phẩm. "Kinh nghiệm của tôi là chỉ đầu tư đúng, đủ để giảm chi phí, hạ giá thành" - ông Phấn chia sẻ.
Riêng đối với măng cụt, ông Phấn cho hay chỉ trồng vài cây để ăn. Nhiều nơi nông dân đã chặt bỏ cây măng cụt để thay bằng cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khả năng mở rộng diện tích cây măng cụt rất hạn chế do thời gian cho quả chậm (7-10 năm), tốn công thu hái vì phải hái từng quả, không cạnh tranh được với các loại cây trồng khác. Miền Nam hiện có khoảng 7.230 ha trồng măng cụt, tập trung tại các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Nai và Bình Dương (mỗi tỉnh có hơn 1.000 ha).
Thái Lan mới cấp phép cho 4 loại quả của Việt Nam
Theo Văn phòng Thương mại Việt Nam tại Thái Lan, mỗi năm Thái Lan chi hơn 1,6 tỉ USD để nhập khẩu rau quả, trong đó hơn 1 tỉ USD nhập quả (trái cây). Đáng chú ý, xuất khẩu hàng rau quả Việt Nam sang thị trường Thái Lan 4 tháng đầu năm 2020 tăng hơn 244% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 57,8 triệu USD. Đến nay, danh mục quả tươi được Thái Lan cho phép nhập khẩu từ Việt Nam chỉ có thanh long, xoài, nhãn và vải. Trong khi đó, danh mục nhập khẩu quả tươi từ Thái Lan được Việt Nam cấp phép lên đến 28 loại và không phải qua phân tích nguy cơ dịch hại do đây đều là những loại quả truyền thống đã được nhập khẩu vào Việt Nam trước năm 2007.
Sầu riêng rớt giá, giảm 50%
Những ngày gần đây, lượng sầu riêng đổ về TP HCM rất lớn và được bán khắp nơi với giá chỉ bằng 50% mọi năm, nhiều nhất là giống Ri 6. Ngay chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), vốn bán hàng đã qua tuyển chọn, nhiều sạp niêm yết giá chỉ 60.000-65.000 đồng/kg, còn các điểm bán rong giá khoảng 40.000-50.000 đồng/kg.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre), cho biết chưa bao giờ giá sầu riêng rẻ như năm nay, dù sản lượng không cao do miền Tây gặp hạn mặn. Giá sầu riêng Ri 6 loại 1 tại vườn từ 30.000-35.000 đồng/kg, chỉ bằng một nửa so với những năm trước. Nguyên nhân chính là do sầu riêng bị bí đường xuất khẩu, hàng đổ về các chợ để tiêu thụ nội địa và đi vào chế biến, cấp đông nên giá không cao. Ngoài ra, năm nay hạn mặn, chất lượng không đồng đều, tỉ lệ trái không đạt chất lượng nhiều nên thương lái không dám mua hàng dẫn đến kéo mặt bằng giá xuống.
Thông tin từ chợ đầu mối Thủ Đức (TP HCM) cho hay sầu riêng mới về chợ từ đầu tháng 5 với sản lượng gần 50 tấn/ngày, giá bán sỉ từ 35.000-45.000 đồng/kg, tùy loại. Đáng chú ý là năm 2019, chợ đầu mối Thủ Đức ghi nhận có sầu riêng Thái Lan nhập khẩu nhưng năm nay chỉ toàn sầu riêng trong nước.
Được biết, sầu riêng Thái Lan đã được Trung Quốc cấp phép nhập khẩu chính ngạch trong khi sầu riêng Việt Nam thì chưa nên gặp khó về đầu ra. Những năm trước đây, sầu riêng Việt Nam có giá cao nhờ xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc nhưng nay không còn xuất được nữa. Hiện một số doanh nghiệp cũng đang thu mua sầu riêng chất lượng cao để xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản dưới dạng cấp đông nhưng số lượng còn ít và giá không cao bằng hàng tươi.
Bình luận (0)