Trong đó, với thị trường lớn là Mỹ và thị trường khó tính là Nhật, doanh nghiệp (DN) cần tuân thủ một số nguyên tắc để làm ăn lâu dài.
Năm 2015, Việt Nam đã hoàn tất và ký 4 hiệp địnhthương mại tự do quan trọng với các khu vực thị trường rộng lớn là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam –EU, Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu và Việt Nam – Hàn Quốc, mở ra cơ hội xuất khẩu rất lớn cho cộng đồng DN.
"Ngôi sao đang lên" tại Mỹ
Đề cập riêng hiệp định TPP, Tham tán công sứ thương mại Mỹ Đào Trần Nhân cho biết Việt Nam đang dẫn đầu xuất khẩu dệt may, giày dép vào Mỹ (trong số 11 nước đối tác TPP của Mỹ). Năm 2014, Việt Nam đóng thuế gần 1,68 tỉ USD cho mặt hàng dệt may vào thị trường này, chiếm ¾ tổng số thuế quốc gia này thu được từ tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Đối với mặt hàng giày dép, hằng năm, Mỹ tiêu thụ 2,5 tỉ đôi giày dép, trung bình 1 người dân xài gần 8 đôi giày dép/năm. Cũng trong năm này, 11 nước TPP nộp thuế nhập khẩu giày dép vào Mỹ gần 450 triệu USD, trong đó Việt Nam đóng đến 445 triệu USD.
Hiệp định TPP đi vào thực thi, hầu như các dòng thuế về dệt may, giày dép Việt Nam vào Mỹ lập tức về 0% trong năm đầu tiên thực hiện. Khi đó, Việt Nam sẽ là ngôi sao đang lên tại thị trường Mỹ, dần san sẻ vị trí số 1 của Trung Quốc. Thị phần giày dép Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ từ 12% hiện tại sẽ tăng lên 22% trong năm 2019, ngay trong năm đầu TPP thì giày dép Việt Nam vào Mỹ giảm được 450 triệu USD thuế nhập khẩu, sau 10 năm nữa sẽ giảm được 6 tỉ USD.
Nhờ TPP, Việt Nam sẽ tăng xuất khẩu 32%, GDP tăng 25%. Do vậy, Việt Nam cần nghiên cứu, tận dụng các cơ hội TPP mang lại để tăng xuất khẩu, tăng thu đồng thời sẵn sàng đương đầu với sức ép cạnh tranh nội địa do việc mở cửa thị trường cho nước ngoài.
Đề cập lĩnh vực xuất khẩu thực phẩm và đồ uống sang thị trường này, ông Đào Trần Nhân cho biết DN cần quan tâm đến luật hiện đại hóa về an toàn vệ sinh thực phẩm của Mỹ để tuân thủ đúng. “Với mặt hàng hoa quả tươi, nhiều DN liên hệ với chúng tôi hỏi về điều kiện xuất khẩu nhiều loại hoa quả Việt Nam nhưng hiện mới chỉ có 4 loại được phép xuất khẩu là thanh long, chôm chôm, vải và nhãn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang làm việc với phía Mỹ để cho 2 mặt hàng xoài và vú sữa. Đối với 1 loại hoa quả của Việt Nam, muốn xuất vào thị trường Mỹ thì thời gian chờ cấp phép mất từ 5- 7 năm.”
Tuyệt đối tuân thủ quy định an toàn vệ sinh thực phẩm
Với thị trường nổi tiếng khó tính là Nhật Bản, việc đưa được một loại hoa quả mới vào cũng phải mất thời gian tương tự như ở Mỹ. Ông Nguyễn Trung Dũng, Tham tán công sứ thương vụ Việt Nam, cho biết mất 5-7 năm, trái thanh long mới vào được Nhật và mất 4 năm cho trái xoài vào thị trường này.
“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nhật vừa yêu cầu Việt Nam cung cấp thứ tự ưu tiên các mặt hàng trái cây muốn xuất khẩu vào Nhật. Như vậy, họ đã bật đèn xanh cho Việt Nam bổ sung mặt hàng trái cây xuất khẩu chính thức vào Nhật. Vấn đề còn lại là các địa phương, các hiệp hội, các DN và Bộ Nông nghiệp cùng xem xét bàn bạc để thống nhất nên đưa loại quả nào vào trước, loại quả nào vào sau và trên cơ sở tính toán là đưa mặt hàng nào hiệu quả nhất.” – ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, đưa hàng vào Nhật không chỉ có ý nghĩa là tăng thêm một mặt hàng ở đây mà còn có ý nghĩa rất lớn: là điểm xuất phát để đưa hàng Việt Nam vào những thị trường khác.
Nhật Bản là thị trường khó tính, nếu họ chịu nhập hàng của Việt Nam thì các nước khác cũng sẽ cho nhập. Năm 2009, quả thanh long vào được thị trường Nhật, tuy bán không nhiều nhưng ngay lập tức Mỹ đồng ý mua. Khi TPP có hiệu lực, hàng nông sản thực phẩm Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế khi xuất vào Nhật nhưng phải đáp ứng được các rào cản an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo ông Dũng, năm 2015, Việt Nam đã có nhiều chấn chỉnh về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với hàng vào Nhật nhưng cần phải có chương trình kiểm soát chặt chẽ, tránh trường hợp sản phẩm xuất khẩu bị phát hiện không an toàn, tồn dư kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật.
Bình luận (0)