Được thành lập vào năm 2007, Ngân hàng (NH) TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) có quy mô khá nhỏ với số vốn ban đầu 200 tỉ đồng. Thế nhưng, sau 10 năm hoạt động, vốn điều lệ của Vietbank đã tăng lên 3.249 tỉ đồng, gấp 16 lần so với ngày đầu thành lập, tổng tài sản đạt 35.000 tỉ đồng, huy động vốn đạt 30.000 tỉ đồng và dư nợ cho vay đạt 24.000 tỉ đồng; tỉ lệ nợ xấu khoảng 1,7%, thấp hơn rất nhiều so với quy định của NH Nhà nước là dưới 3%.
Nâng cấp quy mô hoạt động
Lãnh đạo Vietbank cho biết NH đã triển khai thành công theo đề án tái cấu trúc của NH Nhà nước giai đoạn 2011-2015. Theo đó, Vietbank trở thành công ty đại chúng, không có tình trạng sở hữu chéo, tỉ lệ nợ xấu về ngưỡng dưới quy định, tăng cường công tác quản lý rủi ro phù hợp với các quy định của NH Nhà nước, đồng thời được NH Nhà nước chấp thuận chuyển đổi toàn bộ quỹ tiết kiệm lên thành phòng giao dịch.
Vietbank đang tập trung xây dựng chiến lược phát triển lâu dài phù hợp với nội lực trong quá trình hoạt động
Theo đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020" của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống NH đang quyết liệt bước vào quá trình tái cơ cấu, trong đó Vietbank thuộc nhóm những NH hoạt động lành mạnh, đáp ứng tất cả các yêu cầu của NH Nhà nước về nâng cao năng lực tài chính; chuyển đổi mô hình kinh doanh, tăng trưởng quy mô đạt mức tối ưu gồm: hệ số vốn an toàn, tăng trưởng tín dụng/huy động; tăng trưởng dịch vụ; mở rộng mạng lưới, nâng cao công tác quản trị, điều hành; mô hình kinh quản lý rủi ro 3 lớp (kinh doanh, hỗ trợ kinh doanh, kiểm soát)…
Với mạng lưới 96 chi nhánh, phòng giao dịch tại các tỉnh, thành phố trọng điểm trên cả nước, trong thời gian qua, Vietbank được NH Nhà nước chấp thuận bổ sung nhiều nội dung hoạt động như: Ủy thác, nhận ủy thác, đại lý trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động NH, kinh doanh bảo hiểm, dịch vụ kinh doanh ngoại tệ, thanh toán quốc tế…
Đặc biệt, Vietbank vừa được NH Nhà nước chấp thuận thành lập thêm 2 chi nhánh, chuyển đổi 11 quỹ tiết kiệm thành phòng giao dịch, có quan hệ đại lý với 217 NH trên thế giới. Các NH này sẵn sàng hỗ trợ hữu hiệu khách hàng Vietbank trong các thương vụ xuất nhập khẩu và thanh toán xuyên quốc gia.
Đầu tư công nghệ hiện đại
Theo ông Nguyễn Thanh Nhung, quyền Tổng Giám đốc Vietbank, NH đang làm việc với Finastra - một trong những công ty hàng đầu thế giới về công nghệ - để xây dựng hệ thống Core banking mới. Dự án này được đầu tư với mục tiêu lấy khách hàng làm trọng tâm và trên nền tảng công nghệ tiên tiến, NH có thể thấu hiểu nhu cầu, khả năng tài chính cũng như thói quen của khách hàng để từ đó cung cấp các sản phẩm dịch vụ phù hợp.
"Với công nghệ hiện đại, chúng tôi kỳ vọng hệ thống Core banking mới là một công cụ hữu hiệu để Vietbank nhanh chóng tạo ra các sản phẩm linh hoạt, đáp ứng kịp thời nhu cầu không ngừng thay đổi của khách hàng. Đặc biệt, hệ thống này sẽ mang lại trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng bởi tính đa tiện ích, đa chức năng, đa kênh giao dịch, giao diện thân thiện và linh hoạt sử dụng trên nhiều ứng dụng" - ông Nhung nói.
Xuyên suốt quá trình hoạt động, Vietbank luôn tích cực đẩy mạnh các hoạt động thiện nguyện đóng góp cho cộng đồng và xã hội. Chính vì vậy, Vietbank chú trọng khuyến khích CBNV cùng tham gia các hoạt động như Đi bộ Turkey Dash - Nụ cười Việt, quyên góp ủng hộ đồng bào bị lũ lụt, hiến máu tình nguyện, lễ hội trăng rằm dành cho trẻ em các mái ấm, trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, tài trợ xây nhà tình thương và chăm sóc cựu thanh niên xung phong…
Nhiều ý kiến cho rằng Vietbank tập trung đầu tư nền tảng công nghệ, con người, sản phẩm dịch vụ chất lượng, xây dựng niềm tin với công chúng… sẽ giúp cho NH này phát triển bền vững.
Bình luận (0)