Theo đó, để sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến VCB-iB@nking của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), khách hàng chỉ thực hiện truy cập dịch vụ trên website chính thức của ngân hàng, không truy cập dịch vụ này từ các đường link lạ, không rõ nguồn gốc được gửi qua email, tin nhắn hay bất kỳ các kênh nào khác.
Nếu trường hợp khách hàng sau khi nhận được đường link lạ và vô tình truy cập vào nhưng không phải trang website chính của Vietcombank, khách hàng cần lập tức rời khỏi trang và không đăng nhập các thông tin cá nhân trên màn hình này.
Theo Vietcombank, thời gian qua, trên thế giới xuất hiện nhiều vụ lừa đảo trên mạng Internet do các đối tượng lợi dụng sự bất cẩn của người dùng để cài đặt virus độc hại trên máy tính cá nhân và thiết bị di động, từ đó lấy cắp thông tin và tiền từ tài khoản ngân hàng.
Gần đây, virus Eurograbber được các tin tặc sử dụng để lấy cắp 36 triệu Euro từ nhiều tài khoản ngân hàng tại các nước châu Âu như Ý, Đức, Tây Ban Nha và Hà Lan. Phương thức lừa đảo của bọn tội phạm là sử dụng email hoặc các trang web độc hại để lừa khách hàng cài đặt virus trên máy tính của mình… rồi tiến hành lừa đảo.
Dù chưa có ghi nhận về việc virus này xuất hiện tại Việt Nam nhưng trước nguy cơ lây nhiễm virus Eurograbber và để bảo đảm an toàn các giao dịch trực tuyến, Vietcombank khuyến cáo khách hàng cẩn trọng. Khi nhận được tin nhắn hoặc thông báo qua SMS, email hay từ trang web của ngân hàng, khách hàng nên kiểm tra lại thông tin, tránh trường hợp tin tặc lợi dụng để giả mạo thông tin.
Bình luận (0)