Ông Hồng Quang - Ủy viên Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Khối nhân sự Vietcombank - cho biết, hoạt động trên là một trong các mục tiêu chiến lược để Vietcombank trở thành ngân hàng đứng đầu về nhân lực chất lượng cao.
- PV: Vietcombank đã có sự chuẩn bị như thế nào để đạt được mục tiêu trở thành ngân hàng đứng đầu về chất lượng nguồn nhân lực vào năm 2020?
- Ông Hồng Quang: Tháng 9-2017, ngay sau khi phê duyệt Đề án phát triển Vietcombank đến năm 2020, Hội đồng quản trị Vietcombank (HĐQT) đã phê duyệt Đề án quản trị và phát triển nguồn nhân lực Vietcombank đến năm 2020 (Đề án) với mục tiêu trở thành ngân hàng đứng đầu về chất lượng nguồn nhân lực.
Theo đó, Đề án đã đưa ra kế hoạch hành động và các giải pháp thực hiện đồng bộ về kiện toàn mô hình tổ chức, hoàn thiện cơ chế chính sách, đổi mới và tăng cường công tác đào tạo, phát triển hạ tầng công nghệ ứng dụng trong công tác quản trị và phát triển nguồn nhân lực..
Ông Hồng Quang - Ủy viên Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Khối nhân sự Vietcombank
Dấu mốc quan trọng trong lộ trình thực hiện Đề án đó là việc thành lập Khối Quản trị và phát triển nguồn nhân lực Vietcombank (Khối Nhân sự) vào tháng 11-2018, với 3 đơn vị trực thuộc gồm: Ban Tổ chức và nhân sự, Phòng Chính sách và Kế hoạch nhân sự, Trường Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực (trên cơ sở nâng cấp Trung tâm đào tạo trước đây). Công tác nhân sự dần được chuyển đổi hoạt động theo hướng "đối tác nhân sự" HRBP (Human Resource Business Partner).
Quy mô lao động của Vietcombank tăng từ 16.227 người năm 2017 lên 17.215 người năm 2018 và đạt mức 18.366 người (thời điểm 30-6-2019), với trên 90% cán bộ có trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Tỉ lệ lao động bán hàng duy trì ở mức trên 60% tổng số lao động.
Như vậy, số lượng lao động Vietcombank xếp sau 5 ngân hàng (Agribank, VPBank, BIDV, VietinBank, Sacombank) nhưng năng suất lao động của các năm liên tục tăng cao so với các ngân hàng bạn. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế (LNTT)/người và tỉ lệ tăng trưởng LNTT/người của Vietcombank từ năm 2017, 2018 và ước tính 2019 tương ứng là 712 triệu đồng/người, tăng 28%; 1.093 triệu đồng/người, tăng 53,5% và 1.282 triệu đồng/người, tăng 17%.
Nhằm nâng cao chất lượng và hướng tới mục tiêu quản trị nguồn nhân lực theo thông lệ quốc tế, Vietcombank cũng đang tích cực triển khai một số dự án về nhân sự như: Dự án xây dựng chương trình phần mềm quản lý nhân sự (HRM) mới; Dự án E-learning; Dự án xây dựng Khung năng lực…
- Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ắt hẳn Vietcombank phải chú trọng đến hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH), khuyến khích đổi mới và có cơ chế tạo động lực để nhân viên phát huy tinh thần sáng tạo?
- Thời gian qua, công tác NCKH và công nghệ luôn được Ban Lãnh đạo đặc biệt quan tâm. Theo đó, Vietcombank đã tổ chức cuộc thi "Đổi mới, sáng tạo để phát triển và hội nhập". Các ý tưởng, sáng kiến đã bao quát hầu hết các lĩnh vực hoạt động chính của ngân hàng; trong đó, các sáng kiến ứng dụng công nghệ thông tin chiếm tỉ trọng cao.
Năm 2019, hoạt động NCKH và công nghệ tiếp tục được đẩy mạnh và có gần 400 đề xuất nhiệm vụ khoa học công nghệ. Để xét duyệt các nhiệm vụ này, 6 Tiểu hội đồng đã được thành lập và làm việc tích cực để chọn ra 151 đề xuất được tiếp tục triển khai.
- Trong bối cảnh các ngân hàng đang cạnh tranh gay gắt về nhân sự, Vietcombank có chính sách như thế nào để giữ chân cũng như thu hút người tài?
- Vietcombank là một trong những ngân hàng có nguồn nhân sự ổn định, thu hút và giữ chân nhân sự có chất lượng. Theo kết quả khảo sát mức độ gắn kết của cán bộ (EES) năm 2018 do Công ty Nielsen thực hiện, điểm chỉ tiêu EES bình quân đạt 92,45 - thể hiện mức độ gắn kết cao của nhân viên với ngân hàng. Tỉ lệ nhân viên nghỉ việc/tổng số lao động cuối năm 2018 là 3,12%, đến ngày 30-6-2019 chỉ là 1,62%.
Vietcombank là một trong những ngân hàng có mức độ gắn kết cao của nhân viên
Cũng trong năm 2018, cuộc khảo sát nơi làm việc tốt nhất của Công ty Anphabe chỉ ra Vietcombank là ngân hàng có môi trường làm việc hấp dẫn nhất ngành ngân hàng, lọt vào Top 50 doanh nghiệp Việt có thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn nhất.
Để đạt được các kết quả trên, Vietcombank phải đưa chính sách đồng bộ trong hoạt động quản trị và phát triển nguồn nhân lực, trong đó chú trọng xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp; xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng vững mạnh; tạo dựng và duy trì môi trường làm việc tốt nhất; cơ chế, chính sách lương thưởng và chế độ đãi ngộ tốt; công tác đào tạo và phát triển đội ngũ; hệ thống quản trị kết hợp hài hòa giữa quản trị theo mục tiêu KPI và quản trị theo giá trị.
- Mục tiêu trở thành ngân hàng đứng đầu về chất lượng nguồn nhân lực mà Vietcombank đặt ra không còn xa. Thế dự định của Vietcombank về phát triển nguồn nhân lực trong thời gian tới là gì?
- Nhằm hiện thực hóa và duy trì mục tiêu này, Vietcombank tiếp tục thực hiện chiến lược quản trị, phát triển nguồn nhân lực theo Đề án được HĐQT phê duyệt.
Theo đó, Khối Nhân sự kiện toàn mô hình tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các đơn vị tại Trụ sở chính và Chi nhánh nhằm tập trung quản lý và điều hành theo các khối hoạt động, nâng cao tính chuyên môn hóa, tránh chồng chéo về chức năng nhiệm vụ.
Vietcombank tiếp tục rà soát, hoàn thiện và chuẩn hóa cơ chế, chính sách về tổ chức và nhân sự, nhất là triển khai xây dựng khung năng lực. Trên cơ sở đó, xây dựng lộ trình phát triển nghề nghiệp cho các vị trí công việc; xây dựng tiêu chí lựa chọn cán bộ tài năng; sử dụng khung năng lực cho công tác tuyển dụng, đào tạo, đánh giá kết quả công việc, trả lương…; xây dựng và định vị thương hiệu nhà tuyển dụng uy tín, vững mạnh, phù hợp theo yêu cầu; đa dạng hóa phương thức tuyển dụng; thực hiện công tác tuyển dụng một cách khoa học, công khai, minh bạch…
- Xin cảm ơn ông!
Bình luận (0)