Một buổi chiều ngày đầu năm 2018, chiếc A321neo đáp xuống sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Đây là sự kiện quan trọng đối với hãng hàng không Vietjet, cũng là sự kiện ấn tượng đánh dấu bước phát triển của ngành hàng không khu vực. Bởi đây là chiếc A321neo đầu tiên trong số 31 chiếc Vietjet đã đặt mua của nhà sản xuất Airbus.
Ưu điểm vượt trội
Được xuất xưởng từ nhà máy Airbus tại Finkenwerder (Hamburg - Đức), chiếc A321neo đã có hành trình 7 giờ bay để đến Abu Dhabi, từ đó bay tiếp 6 giờ nữa để về TP HCM. Máy bay A321neo mang số hiệu MSN7991. Khi được bổ sung vào đội bay của Việt Nam, nó được đăng ký số quốc tịch máy bay VN-646.
Vietjet chào đón máy bay A321neo đầu tiên của hãng và cũng là đầu tiên của Đông Nam Á Ảnh: THU NGUYỄN
Máy bay A321neo thuộc dòng máy bay thân hẹp một lối đi của "gia đình" A320. Neo là viết tắt của chọn lựa động cơ mới - new engine option. Với việc quyết định trang bị cho những chiếc A321neo của mình loại động cơ GTF thế hệ mới từ nhà sản xuất động cơ Mỹ Pratt & Whitney, Vietjet đã trở thành hãng hàng không đầu tiên ở Đông Nam Á nhận A321neo trang bị kiểu động cơ này. Ưu điểm của động cơ GTF là rất to lớn, rất mạnh nhưng lại tiết kiệm nhiên liệu và giảm tiếng ồn so với các loại động cơ tương đương hiện nay. Nhờ vào lực đẩy mạnh từ động cơ, máy bay A321neo có thể cất cánh nhanh hơn, sớm đạt độ cao tiêu chuẩn so với loại máy bay A321ceo (viết tắt của current engine option - máy bay gắn động cơ hiện hành).
Điểm khác biệt nữa là A321neo được thiết kế chỗ cho 230 hành khách, trong đó có 30 ghế hạng Skyboss. Tất cả các ghế đều bọc da, thảm lót sàn dày, êm; cabin có thiết kế hệ thống ánh sáng LED có thể chuyển rất nhiều màu phù hợp với từng thời điểm bay trong hành trình. Theo các chuyên gia thiết kế từ Airbus, hệ thống ánh sáng với những gam màu nhẹ nhàng như tím, trắng sáng, vàng… giúp tạo cảm giác thoải mái, thoáng đãng trong toàn bộ khoang máy bay, tốt cho cảm giác của hành khách. Chuyến bay vì thế trở nên dễ chịu và thư giãn hơn.
Airbus đã chính thức bật đèn xanh phát triển dòng A320neo vào tháng 12-2010 và bay thử nghiệm lần đầu vào tháng 2-2016. Đến tháng 12 cùng năm, A321neo trang bị động cơ của PW được cả EASA (Cơ quan An toàn hàng không châu Âu) lẫn FAA (Cục Hàng không Liên bang Mỹ) cấp chứng nhận chủng loại máy bay thương mại. Theo công bố của nhà sản xuất, động cơ mới giúp giảm tiêu thụ nhiên liệu ít nhất là 16% trong thời gian đầu và sẽ lên đến 20% trong năm 2020, tiết giảm tiếng ồn tới 75% và lượng khí thải ra môi trường tới 50%.
Sẽ có thêm nhiều chiếc A321neo
Trong năm mới 2018, Vietjet sẽ đưa máy bay A321neo vào khai thác trên các tuyến bay nội địa Việt Nam và các đường bay khu vực (Thái Lan, Singapore, Seoul, Hồng Kông, Đài Bắc, Đài Nam, Cao Hùng...). Đội bay của Vietjet sẽ có thêm nhiều chiếc A321neo vì sau khi đã có hợp đồng mua 31 chiếc, hãng cũng đã chuyển đổi 42 chiếc dòng A320neo đã ký trước đó thành 42 chiếc A321neo. Có nghĩa là trong đội máy bay mà Vietjet chờ nhận về sẽ có tổng cộng 73 chiếc A321neo và 11 chiếc A321ceo.
Vietjet lựa chọn máy bay A321neo ngoài mục đích kinh doanh hiệu quả, tiết kiệm nhiên liệu, phục vụ hành khách tốt hơn còn vì một điều lớn lao khác, đó là góp phần bảo vệ môi trường.
Hiện tại, Vietjet đang khai thác hơn 50 máy bay A320 và A321, thực hiện hơn 350 chuyến bay mỗi ngày và đã vận chuyển hơn 50 triệu lượt hành khách. Mạng bay của hãng hiện có 78 đường bay phủ khắp các điểm đến tại Việt Nam và các đường bay quốc tế đến Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Myanmar, Malaysia, Campuchia… Hãng có kế hoạch phát triển mạng bay rộng khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đang nghiên cứu tiếp tục mở rộng các đường bay trong khu vực và đã ký kết hợp đồng mua sắm tàu bay thế hệ mới, hiện đại với các nhà sản xuất máy bay uy tín trên thế giới.
Bình luận (0)