Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ ngày 19-10 đã chủ trì cuộc họp báo cáo đầu kỳ công tác khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành).
Thứ trưởng Lê Đình Thọ chủ trì buổi họp báo cáo đầu kỳ công tác khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 dự án sân bay quốc tế Long Thành - Ảnh: Lâm Hoài/Cổng TTĐT Bộ GTVT
Theo thông tin từ cuộc họp, liên quan đến việc phân chia khai thác giữa sân bay Long Thành và sân bay Tân Sơn Nhất, cơ quan tư vấn JFV khuyến nghị sân bay Long Thành sẽ đảm nhiệm 85% chuyến bay quốc tế (gồm các chuyến bay quốc tế của Vietnam Airlines và các hãng hàng không nước ngoài) và 12% chuyến bay quốc nội của Vietnam Airlines (đường bay TP HCM - Hà Nội và TP HCM - Đà Nẵng). Các hãng hàng không khác trong nước như: Vietjet Air, Jetstar Pacific, Bamboo Airways (nếu có), Vasco sẽ chỉ khai thác ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Về vấn đề này, Chánh Văn phòng Ban Quản lý dự án Long Thành (Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV) Nguyễn Khắc Phong cho biết Cục Hàng không Việt Nam và ACV đã triển khai lấy ý kiến các hãng hàng không trước khi hoàn chỉnh lại báo cáo.
Ông Nguyễn Khắc Phong khẳng định tiến độ triển khai tổng thể các hạng mục của tư vấn JFV đã đáp ứng được yêu cầu theo hợp đồng. Công tác thu thập dữ liệu đầu vào phục vụ nghiên cứu; dự báo nhu cầu giao thông hàng không; đề xuất phân chia khai thác giữa 2 sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành; nghiên cứu thiết kế địa thế; nghiên cứu hệ thống giao thông kết nối; thu thập dữ liệu phục vụ công tác phân tích tài chính… đã và đang hoàn thành đúng tiến độ.
Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường cho rằng cần có định hướng sớm để khi thiết kế sân bay Long Thành có thể đáp ứng được sự phát triển trước mắt và lâu dài, đảm bảo điều hoà hoạt động của cả 2 sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất. Bên cạnh đó, ông Cường cũng đề nghị đơn vị tư vấn chú trọng đến hạ tầng sân bay và giao thông tiếp cận, đảm bảo mọi đối tượng hành khách, nhất là đối với người hạn chế khả năng di chuyển…
Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu các đơn vị phấn đấu tháng 3-2019 phải xong báo cáo nghiên cứu khả thi (F/S). Thứ trưởng Thọ cũng giao TEDI là cơ quan tư vấn phải sớm hoàn chỉnh phương án giao thông tiếp cận; tư vấn JFV, ACV, Cục Hàng không Việt Nam phối hợp các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT làm rõ hình thức đầu tư, phương án tài chính và làm rõ hạng mục nào làm PPP, hạng mục nào kêu gọi đầu tư, hạng mục nào đầu tư trực tiếp… của dự án.
Sân bay Long Thành (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) được đầu tư xây dựng để đạt cấp 4F với công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa năm trên tổng diện tích 5.000 ha. Tổng mức đầu tư là 336.630 tỉ đồng (tương đương 16,06 tỉ USD, áp dụng tỉ giá của năm 2014).
Dự án sân bay Long Thành gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: Đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác.
Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện dự án sân bay Long Thành vừa gửi Quốc hội trong tháng 10-2018, với tiến độ thực hiện giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành, chủ đầu tư - Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - đã ký hợp đồng lập F/S với tư vấn JFV, gồm các công ty tư vấn JAV (của Nhật Bản) - APDi (cộng hòa Pháp) - Nippon Koei (Nhật Bản) - OC Global (Nhật Bản) - ADCC (Việt Nam) - TEDI (Việt Nam). Đồng thời, tư vấn JFV cũng đã ký hợp đồng thầu phụ đặc biệt với tư vấn HEERIM của Hàn Quốc (tác giả của phương án kiến trúc "Hoa Sen") về việc lập thiết kế cơ sở nhà ga hành khách.
Theo kế hoạch, đến tháng 7-2019, tư vấn sẽ hoàn thành F/S, đến tháng 10-2019 sẽ trình Quốc hội thông qua dự án. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án vào tháng 12-2019.
Bình luận (0)