Nhà nước là chủ sở hữu của Viettel. Chính phủ trực tiếp thực hiện hoặc phân công cho Thủ tướng chính phủ, Bộ Quốc phòng, các bộ có liên quan; giao cho Tổng Giám đốc Viettel thực hiện các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với Viettel theo quy định.
Theo Nghị định này, Viettel có nhiệm vụ trực tiếp xây dựng, quản lý hạ tầng mạng lưới viễn thông, bảo đảm hạ tầng mạng lưới viễn thông của Viettel làm nhiệm vụ vu hồi, dự phòng cho mạng thông tin quân sự trong thời bình và chuyển sang phục vụ quốc phòng, an ninh khi có chiến tranh; sẵn sàng bảo đảm thông tin liên lạc khi có yêu cầu và đảm bảo nhiệm vụ thông tin quân sự khác...
Về sản xuất kinh doanh, Viettel thực hiện sản xuất kinh doanh đa ngành, trong đó viễn thông, công nghệ thông tin, truyền hình, bưu chính, sản xuất thiết bị là ngành kinh doanh chính.
Viettel có 63 chi nhánh ở các tỉnh, thành trong cả nước; 15 đơn vị hạch toán phụ thuộc; 3 chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài; 7 công ty con do Viettel sở hữu 100% vốn điều lệ; 10 công ty con do Viettel sở hữu trên 50% vốn điều lệ; 10 công ty liên kết do Viettel nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống.
Cũng liên quan đến hoạt động viễn thông, Thủ tướng đã đã đồng ý với đề nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc tổ chức Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thông tin di động Mobifone thành Tổng công ty viễn thông Mobifone.
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ quyết định thực hiện việc chuyển đổi theo quy định hiện hành và chịu trách nhiệm thực hiện cổ phần hóa Mobifone theo Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 10-6-2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam giai đoạn 2011-2015. Việc tổ chức Mobifone thành tổng công ty sẽ làm tăng thêm giá trị của Mobifone khi cổ phần hóa.
Được biết, thời gian qua, Viettel và Mobifone là hai đơn vị dẫn đầu trong số 1.000 doanh nghiệp đóng thuế lớn nhất cho ngân sách nhà nước.
Bình luận (0)