Đây là ý kiến được ông Don Lam, Tổng Giám đốc và Cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital, chia sẻ về Hội nghị nhà đầu tư năm 2022 tại TP HCM diễn ra từ ngày 5 đến 7-10 do tập đoàn này tổ chức.
Có gần 100 nhà đầu tư đến từ các nước trên thế giới, ở nhiều ngành nghề và lĩnh vực khác nhau, từ những công ty công nghệ khởi nghiệp cho đến các tập đoàn công nghiệp lớn.
Gần 100 nhà đầu tư từ các quốc gia tới tìm hiểu cơ hội đầu tư trực tiếp và gián tiếp tại Việt Nam
Bất chấp các nhận định lạc quan về thị trường trong trung dài hạn, chỉ số VN-Index vẫn "bốc hơi" hơn 30 điểm tính đến phiên chiều 6-10. Ảnh: Thái Phương
Ông Don Lam cho biết hội nghị Nhà đầu tư gần nhất được tổ chức trực tiếp cách đây 3 năm và gián đoạn do dịch COVID-19. "Có một điều vẫn không thay đổi đó là sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư. Không nhiều quốc gia có thể vượt qua đại dịch và hồi phục mạnh mẽ như Việt Nam, điều rất khác biệt so với nhiều quốc gia khác đang lo ngại về lạm phát, suy thoái kinh tế. Do đó, nhiều nhà đầu tư đế đây để nghe và thấy rằng cơ hội đầu tư ở đây nhiều hơn bao giờ hết" - ông Don Lam nói.
Dù thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang dò đáy sau khi rơi từ vùng 1.500 điểm hồi đầu năm đến nay, khối ngoại tiếp tục rút ròng vốn khỏi thị trường nhưng các chuyên gia của VinaCapital vẫn đánh giá triển vọng của chứng khoán Việt Nam tích cực.
Tổng Giám đốc Hội đồng đầu tư của VinaCapital phân tích sự biến động của thị trường chứng khoán đã làm không ít nhà đầu tư bất an. Tuy nhiên, điều quan trọng là các công ty niêm yết và công ty tư nhân của Việt Nam đang hoạt động hiệu quả nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường nội địa. Các công ty được quỹ đầu tư này rót vốn, đặc biệt trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, vẫn đang ghi nhận doanh thu ổn định, thậm chí cao hơn giai đoạn trước đại dịch.
Chia sẻ kỹ hơn về cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán thời điểm này, bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc Điều hành Khối đầu tư chứng khoán Đại chúng và Trái phiếu, Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital, cho biết những biến động trên thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua, từ góc nhìn của nhà đầu tư chuyên nghiệp và dài hạn là tích cực vì mang lại môi trường đầu tư chuyên nghiệp, tăng tính hấp dẫn cho dòng vốn quốc tế nhưng nhà đầu tư cá nhân lại hoang mang khiến thanh khoản liên tục suy giảm.
Thanh khoản hiện nay dù đã giảm một nửa so với năm ngoái nhưng vẫn gấp 3 lần giai đoạn trước COVID-19. Đặc biệt, nếu tính theo định giá P/E thì thị trường Việt Nam đang ở vùng hấp dẫn và rẻ hơn các nước trong khu vực…
Trong khi đó, mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết vẫn duy trì. Nếu nhìn sang 2023, thị trường Việt Nam được dự báo mức tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết tiếp tục duy trì mức 19% và cao hơn hẳn so với các nước trong khu vực.
Vậy những lĩnh vực ngành nghề, doanh nghiệp và cổ phiếu nào được đánh giá hấp dẫn để nắm giữ trung, dài hạn?
"Các ngành công nghệ như FPT dự báo tăng trưởng lợi nhuận năm nay khoảng 26% và nằm trong những doanh nghiệp hàng đầu được các quỹ nắm giữ; bất động sản khu công nghiệp; cảng biển; ngân hàng… Dù ngành ngân hàng còn lo ngại rủi ro về lãi suất, siết chặt tín dụng, nhưng cũng đạt tăng trưởng 37% và tiếp tục duy trì những mức lợi nhuận tốt trong các năm tiếp theo. Nhà đầu tư phải thật sự chọn lọc để tìm những cổ phiếu có chất lượng tốt, nắm giữ với tầm nhìn 5-6 năm" – bà Hoài Thu nói.
Bình luận (0)