Sáng 15-1, tại hội nghị Tổng kết sản xuất kinh doanh năm 2014 của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), ông Lê Anh Sơn, Tổng Giám đốc Vinalines, cho biết: Doanh thu của Vinalines ước đạt 19.804 tỉ đồng, bằng 96% so với thực hiện năm 2013.
Vinalines đặt chỉ tiêu giảm doanh thu
Dự kiến, năm 2014, Vinalines lỗ 1.625 tỉ đồng theo tỉ lệ vốn góp của Vinalines tại các doanh nghiệp (DN), bằng 23% số lỗ của năm 2013 (theo báo cáo tài chính hợp nhất là 7.061 tỉ đồng). Hiện Vinalines có 109 tàu với 2,28 triệu DWT, chiếm 31% tổng trọng tải đội tàu biển quốc gia.
Năm 2014, mặc dù thị trường vận tải biển còn nhiều khó khăn và nguồn tài chính của các DN vận tải biển của tổng công ty hết sức eo hẹp, nợ vay vẫn là gánh nặng đè lên nỗ lực thoát lỗ của các đơn vị khối vận tải biển nhưng các đơn vị đã tìm biện pháp để cắt giảm chi phí sửa chữa, nhiên liệu; tăng cường công tác quản lý; tìm kiếm thị trường.
Về chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2015, theo đại diện Vinalines, sản lượng vận tải biển ước đạt 26,7 triệu tấn, giảm 3% so với thực hiện năm 2014. Mức doanh thu dự kiến cũng giảm 6% so với thực hiện năm 2014, đạt 18.500 tỉ đồng. Theo ông Sơn, do năm 2015, các DN vận tải biển có kế hoạch thanh lý các tàu lâu năm, tình trạng kỹ thuật kém, khai thác không hiệu quả. Đồng thời, tổng công ty thực hiện tái cơ cấu các DN thành viên, thoái vốn tại các DN ngoài ngành nghề kinh doanh chính hoặc hoạt động kém hiệu quả nên tổng doanh thu giảm.
Hiện đơn vị này đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện tái cơ cấu toàn diện với mục tiêu trở thành DN nòng cốt trong vận tải biển và khai thác cảng biển. Tháng 12-2014, Bộ GTVT đã có quyết định xác định giá trị DN công ty mẹ Vinalines. Do đó, Vinalines đang cùng với tư vấn lên phương án để IPO trong quý I/2015.
Ỷ lại thì không bao giờ phát triển
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho rằng bức tranh toàn cảnh về Vinalines “có nhiều màu sáng hơn, màu tối đã ít đi”. Về tái cơ cấu của Vinalines, Bộ trưởng Thăng cho rằng trong điều kiện của Vinalines hiện nay thì không thể nóng vội mà phải theo đúng lộ trình.
“Cả nước thoái vốn DN nhà nước là 6.000 tỉ đồng, trong đó Vinalines đã đạt hơn 500 tỉ đồng, cho thấy Vinalines đi đúng hướng, đúng lộ trình” - Bộ trưởng Thăng nhận xét.
Người đứng đầu Bộ GTVT cũng thẳng thắn phê bình một số lãnh đạo còn giữ “tư duy bao cấp” dù hoạt động trong nền kinh tế thị trường. Cụ thể với cảng Hải Phòng, ông Thăng chất vấn: Khu vực Hải Phòng tăng trưởng 19% nhưng cảng Hải Phòng chỉ được 5%. Tại sao ở các DN tư nhân, hàng ra vào nườm nượp mà cảng Hải Phòng chỉ tăng trưởng 5%?
“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân, phải tự xem lại mình trước. Tại sao Tân Cảng (TP HCM) hoạt động hiệu quả, mình lại không hiệu quả? Các đồng chí đã học hỏi Tân Cảng chưa?” - ông Thăng nói.
Ông Thăng khẳng định cảng Hải Phòng đã có truyền thống, thương hiệu nhưng hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa cao, đã cổ phần hóa nhưng chưa thật sự thay đổi bản chất của quản trị DN, năng suất lao động còn thấp, bộ máy còn cồng kềnh. Nếu so sánh với Tân Cảng thì thua xa.
Rồi trong chuyện nạo vét cảng, ông Thăng cho hay những cảng nhỏ người ta đề nghị xã hội hóa, góp tiền vào cùng nạo, chưa cần vốn nhà nước nhưng cảng Hải Phòng lại không chịu đóng. Nếu tính toán hiệu quả thì bỏ tiền ra nạo vét sẽ thu về nhiều hơn tiền ban đầu bỏ ra, không cần chờ vào nhà nước.
Ông Thăng phê phán: “Bây giờ mà cứ tư duy ỷ lại vào nhà nước thì không bao giờ phát triển được. Thị trường là thị trường, lấy hiệu quả làm mục tiêu, không chạy theo doanh thu”.
Bình luận (0)