Chứng khoán Việt có phiên thứ 2 liên tiếp tăng điểm
Quan sát phiên giao dịch cổ phiếu ngày 12-6, ông Nguyễn Quốc Bảo, cán bộ phân tích cao cấp của Công ty Chứng khoán VCBS, cho biết thanh khoản bán chủ động trong phiên sáng khiến chỉ số VN - Index lùi về khu vực 1.100 điểm.
Đến phiên chiều, thị trường tiếp tục giao dịch giằng co. Tuy nhiên, lực cầu gần về cuối phiên giúp cho thị trường bất ngờ đảo chiều lấy lại sắc xanh.
Kết phiên, các chỉ số VN - Index tăng 8,4 điểm lên 1.116 điểm, HNX - Index đóng cửa tại 229 điểm, tăng 1.77 điểm, UpCom – Index tang 0,3 lên 84,5 điểm.
Với góc nhìn khác, bà Phạm Thu Hà Phương, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), đánh giá nhóm VN30 đã khởi sắc hơn vào cuối phiên. Sắc xanh chiếm ưu thế trở lại với 23 cổ phiếu đóng cửa tăng giá. Nổi bật nhất là PDR (+4,7%), MWG (+3,9%), VNM (+3,2%), MSN (+2,5%)… Ngược lại, vẫn còn 5 cổ phiếu giảm giá trong nhóm là TPB (-1,3%), ACB (-0,5%), HDB (-0,5%), VHM (-0,2%) và PLX (-0,1%).
Theo bà Phạm Thu Hà Phương, thanh khoản thị trường tuy có giảm so với phiên trước, cho thấy áp lực bán tạm thời suy giảm và tạo điều kiện cho sắc xanh cổ phiếu lan tỏa. Với động thái hỗ trợ này, trong phiên sắp tới, VN - Index có thể hướng tới vùng cản 1.125 điểm. Nhà đầu tư có thể nắm giữ hoặc khai thác cơ hội ngắn hạn các cổ phiếu thu hút dòng tiền, cân nhắc chốt lời tại các cổ phiếu tăng nhanh hoặc đang chịu áp lực bán từ vùng cản.
Đề cập đến xu hướng chứng khoán Việt, ông Nguyễn Quốc Bảo cho biết dòng tiền luân phiên phân hoá giữa các nhóm ngành. Theo đó, những cổ phiếu có triển vọng nhưng chưa tăng thì dòng tiền sẽ quay vòng hướng đến.
"Thế nên, nhà đầu tư có thể duy trì tỉ trọng và giải ngân thêm từ 20 – 30% đối với những nhóm cổ phiếu đang thu hút dòng tiền như bán lẻ, xây dựng, chứng khoán…
Trong khi đó, ông Vũ Thành Huy (Công ty Chứng khoán Thành Công – TCSC) cho rằng cổ phiếu đang được định giá ở mức hợp lý. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần chú ý kết quả kinh doanh quý II/2023 của nhiều doanh nghiệp có thể kém đi, tác động tiêu cực đến giá cổ phiếu.
"Mặt khác, số liệu Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam chỉ ra trong quý III và quý IV/2023 sẽ có khoảng 160.000 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn (30% là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản và 35% trái phiếu do ngân hàng phát hành). Đây sẽ là một thử thách lớn và nếu vượt qua thì kinh tế sẽ hồi phục nhanh, tác động tích cực đến thị trường chứng khoán" - ông Huy nói.
*Các khuyến nghị và nhận định chỉ mang tính chất tham khảo.
Bình luận (0)