Trong phần đánh giá cơ hội đầu tư quý IV/2007, bản báo cáo của công ty đầu tư chứng khoáng Việt Nam (VFM) đưa ra nhận định không phải ngẫu nhiên mà TTCK quý IV/2007 lại có thể sôi động trở lại.
VFM coi đây là "cơ hội vàng" cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi bỏ vốn vào TTCK Việt Nam với triển vọng VN-Index có khả năng vượt ngưỡng 1.200 điểm trước 31-12.
Nhận định về tính chu kỳ của TTCK Việt Nam, báo cáo này viết, trong 3 năm gần đây, chỉ số VN-Index trong quý IV đều có khuynh hướng tăng trưởng khá tốt, cao nhất so với các quý còn lại của năm, với mức tăng trưởng tương ứng là 21,3%; 20,6% và 43,5%.
Thị trường thường bắt đầu điều chỉnh vào khoảng giữa tháng 4 mỗi năm, thấp nhất vào khoảng tháng 7 và có xu hướng phục hồi vào khoảng tháng 11.
Riêng năm 2007, xu hướng này xảy ra sớm hơn. Nếu xét theo tính chu kỳ thì động thái hình thành khuynh hướng phục hồi có thể bắt đầu từ giữa tháng 10, song trên thực tế trong tháng 9 đã xuất hiện những chuyển biến tích cực, với nhiều phiên giao dịch liên tiếp tăng điểm và chỉ số VN-Index vượt qua mốc 1.000 điểm.
Thêm một điểm khác biệt so với những năm trước là năm nay khối lượng giao dịch có xu hướng tăng mạnh hơn. Điều này cho thấy nhà đầu tư còn rất mặn mà và kỳ vọng nhiều vào sự hồi phục của thị trường.
Bản báo cáo của VFM đưa ra 5 lý do cơ bản hỗ trợ và tác động đến việc hình thành xu hướng phát triển ổn định và bền vững của TTCK vào cuối năm.
Thứ nhất, Việt Nam tiếp tục là tâm điểm thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài và được xem là "Con hổ cuối cùng của châu Á" với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình hơn 7% trong nhiều năm qua.
Với những thành tựu đã đạt được trong 9 tháng đầu năm 2007, kinh tế Việt Nam đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng cao hơn trong năm tới: mục tiêu tăng trưởng 8,7% cho năm 2008 đã được nâng lên 9,1-9,2%.
Thứ hai, các công ty niêm yết và rất nhiều công ty lớn, đặc biệt là các công ty ngành tài chính ngân hàng (trên thị trường OTC) có khả năng đạt và vượt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trong năm.
Thời điểm cuối năm và đầu năm mới sẽ là thời điểm công bố báo cáo kết quả kinh doanh, những kết quả khả quan sẽ tạo niềm tin cho nhà đầu tư và thu hút nguồn vốn đầu tư vào các công ty có kết quả kinh doanh tốt.
Thứ ba, triển vọng kinh doanh tốt và sự hồi phục của thị trường niêm yết sẽ kéo theo sự hồi phục mạnh mẽ của các công ty trên thị trường OTC. Kèm theo đó, việc đưa các công ty chưa niêm yết vào đăng ký, lưu ký và giao dịch tập trung sẽ góp phần đưa thị trường OTC phát triển hơn.
Thứ tư, quy mô TTCK tăng lên và hướng đến sự chuyên nghiệp hơn. Về phía cầu trên thị trường, chỉ riêng trong tháng 8 (tháng mà VN-Index chưa có sự tăng trưởng mạnh trở lại ) đã có 28 tổ chức và 573 cá nhân nước ngoài mở tài khoản giao dịch.
VFM cũng đưa ra con số ước tính về số lượng vốn đầu tư nước ngoài vào TTCK Việt Nam tính đến cuối tháng 8 lên tới 4,8 tỷ USD.
Về phía cung thị trường thì sự tăng trưởng mạnh mẽ của số lượng các công ty chứng khoán cũng như những đợt siêu IPO như Vietcombank, BIDV, MobiFone, Habeco... sẽ tạo một nguồn cung phong phú cho thị trường. Đặc biệt, việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa Vietcombank là một chất xúc tác mới cho bước phát triển của thị trường vào quý IV/2007.
Thứ năm, tình hình lạm phát cuối năm khiến hình thức tiết kiệm ngân hàng không còn đủ sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư và sẽ có sự dịch chuyển lượng tiền đầu tư vào TTCK với lợi nhuận cao hơn.
Với nhận định "VN-Index có khả năng vượt 1.200 điểm trước 31-2", ông Võ Văn Tài - Tổng Gám đốc Công ty quản lý quỹ Thành Việt giải thích: "Với tình hình thị trường như hiện nay thì VN-Index có tốc độ tăng trưởng khoảng 40-50% so với đầu năm là điều bình thường".
Ông Tài cũng đưa ra nhận xét, cơ hội đầu tư vào cuối năm là rất lớn nhưng phải cân nhắc việc đầu tư vào ngành nào và công ty nào.
Bình luận (0)