Không khí u ám bao trùm khắp thị trường khi các nhà đầu tư lớn đồng loạt bán mạnh cổ phiếu bluechips (cổ phiếu lớn). Dòng tiền vẫn đứng ngoài và cổ phiếu có tỉ lệ margin (ký quỹ) cao đang có nguy cơ call margin (công ty chứng khoán bán cổ phiếu của khách để thu hồi nợ).
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index mất 29,07 điểm, còn 985,91 điểm; HNX-Index còn 116,72 điểm khi giảm 2,94 điểm. Riêng chỉ số VN30 giảm mạnh đến 38,26 điểm, chỉ còn 958, 95 điểm. Hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn, giữ vai trò dẫn dắt như VIC, BID, MSN, VCB, VNM… bị bán rất mạnh, giảm sâu hoặc giảm kịch sàn. Toàn thị trường phiên này có tổng cộng 389 mã giảm, chỉ 94 mã tăng. Tổng giá trị giao dịch trên cả 2 sàn chỉ 6.179 tỉ đồng.
VN-Index mất mốc 1.000 điểm sau gần 2 tháng giảm điểm liên tục. Ảnh: Hoàng Triều
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng lượng cổ phiếu trị giá 613 tỉ đồng, tăng 47,5% so với phiên trước. Trong đó, VIC bị bán tới hơn 300 tỉ đồng. Đây là phiên thứ 3 mã này bị khối ngoại bán ròng, tổng giá trị bán ra 3 phiên trên 435 tỉ đồng. Những mã khác bị bán ròng mạnh là HPG (96,56 tỉ đồng), VJC (50,91 tỉ đồng), NVL (47,55 tỉ đồng), VRE (42,49 tỉ đồng).
Một chuyên gia tài chính cho rằng thực tế, phần lớn các doanh nghiệp niêm yết có lợi nhuận tăng trưởng rất tốt nhưng thị trường giảm mạnh xuất phát từ việc bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài để dịch chuyển dòng tiền sang cổ phiếu lớn khác. "Những phiên tới, VN-Index giảm đến mức nào còn phụ thuộc vào đà giảm của các mã bluechips có còn bị kéo xuống nữa hay không, điều này rất khó nói" - vị chuyên gia này nhận định.
Theo chuyên gia chứng khoán Hoàng Thạch Lân, từ đầu tháng 4 đến nay, thị trường đã rơi vào bẫy tăng giá (bull-trap) rất nhiều lần khiến không ít nhà đầu tư hụt hẫng. Việc liên tục bán ròng của khối ngoại làm cho tâm lý nhà đầu tư trong nước lo sợ và bán tháo. Ngoài ra, ở những phiên giảm mạnh, nhà đầu tư lo lắng sẽ xảy ra call margin nên áp lực bán tháo ngày càng lớn, kéo VN-Index giảm mạnh.
Xét về lý do bán ròng của khối ngoại, theo ông Lân, có thể do họ lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất vào tháng 6 sẽ khiến dòng vốn nước ngoài rút khỏi thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Cũng có thể các quỹ đầu tư cần có tiền để mua cổ phiếu mới nên bán ròng các mã lớn trên sàn.
"Tuy nhiên, nhìn theo hướng lạc quan thì khi thị trường đã rớt quá mạnh, sẽ có nhiều người cầm tiền hào hứng chờ, canh bắt đáy. Khi đó, dòng tiền sẽ ngay lập tức đổ mạnh vào thị trường vì hiện đã có nhiều mã giảm 30% chỉ trong thời gian ngắn. So với đỉnh của tháng trước, hiện P/E chỉ vào khoảng 16-17 lần, trong khi trước đó là 20 lần. Giá cổ phiếu sẽ trở nên hấp dẫn khi giảm thêm vài phiên và có thêm thông tin hỗ trợ" - ông Lân dự đoán.
Trong khi đó, chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh đánh giá thị trường vẫn còn tiêu cực khi khối ngoại duy trì bán ròng và thanh khoản thị trường tiếp tục giảm. "Quan sát thị trường, nhà đầu tư có thể dễ dàng nhận thấy ở những phiên thị trường xanh điểm thì khối lượng giảm, điều này cho thấy người bán giảm bán chứ thật sự không có lực mua. Với động lực yếu trong bối cảnh tâm lý hoang mang nên dù không có thông tin xấu, thậm chí là nhiều tin tốt, cũng không đủ lực đỡ cho thị trường" - chuyên gia này tỏ ra lo ngại.
Bình luận (0)