Chuẩn bị tung ra thị trường loại máy bay thương mại thế hệ mới nhất A350 XWB-900 thuộc gia đình máy bay thân rộng, Airbus đã tạo điều kiện cho một số đoàn công tác của các hãng hàng không và báo chí tham quan nhà máy, dây chuyền lắp ráp máy bay.
Đại bản doanh của Airbus đặt ở TP Toulouse, miền nam nước Pháp. Đón chúng tôi tại trụ sở, bộ phận truyền thông của Airbus dành khoảng 30 phút giới thiệu về chiếc máy bay mới. Giám đốc Marketing chương trình A350 XWB của Airbus, ông Alan Pardoe và ông Mike Bausor, liên tục nhắc đến cụm từ “công nghệ mới nhất” và “tiết kiệm nhiên liệu” khi nói về loại máy bay này.
Nhà máy lắp ráp cuối cùng (FAL) Roger Béteille nằm gần sân bay quốc tế Toulouse - Blagnac rộng hơn 50.000 m2. Khi chúng tôi đến, các công nhân đang làm việc hối hả để lắp ráp hoàn chỉnh chiếc máy bay A350 XWB-900 đầu tiên trong đơn đặt hàng của VNA. Một kỹ sư cho biết quá trình lắp ráp hoàn thiện một chiếc A350 diễn ra trong khoảng 11 tuần với những yêu cầu vô cùng khắt khe, từng chi tiết đều đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối.
Chiếc A350 XWB nằm lọt thỏm trong dàn giá đỡ 2 tầng. Các công nhân ở tầng trên đang lắp động cơ và bộ phận tiếp dầu; trong khi ở tầng dưới, nhóm công nhân khác lắp càng trước. Chỉ tay vào trong khoang máy bay, một kỹ sư thuyết minh “Bình thường thì lắp thân xong mới làm nội thất nhưng với A350, chúng tôi kết hợp song song nhiều công đoạn để tiết kiệm thời gian”.
Nằm giữa dây chuyền lắp ráp, hình hài chiếc máy bay A350 XWB đã rõ nét và đặc biệt ấn tượng với sải cánh dài 68,4 m, đầu cánh vuốt cong mềm mại như cánh chim đang vẫy. “Thiết kế này không chỉ cho đẹp mà còn kết hợp các yếu tố khí động học ở 2 đầu của cánh và vật liệu nhẹ ở thân máy bay để tạo ra khả năng tiết kiệm tới 25% tiêu thụ nhiên liệu, giảm 20% khí thải CO2” - kỹ sư giải thích.
Giá một chiếc A350 XWB-900 khoảng 340 triệu USD - khá cao so với đối thủ trực tiếp là Boeing Dreamline 787 của hãng Boeing (Mỹ). Vậy hãng hàng không nào chi tiền để sở hữu A350 XWB-900?
Trả lời thắc mắc của chúng tôi, ông Mike Bausor cho biết hiệu quả khai thác của A350 XWB-900 chính là lý do khiến 39 hãng hàng không trên toàn cầu đã ký hợp đồng mua loại máy bay này với số lượng chờ giao hàng lên đến 750 chiếc. Khách hàng đầu tiên sẽ được nhận A350 XWB-900 vào cuối năm nay là Qatar Airways. Chiếc máy bay A350 XWB thứ 2 xuất xưởng sẽ được bàn giao cho VNA.
Như vậy, VNA là hãng hàng không đầu tiên ở châu Á và là hãng thứ hai trên thế giới khai thác A350. Trong vòng 3 năm tới, VNA sẽ tiếp nhận tổng cộng 14 chiếc A350, trong đó chiếc đầu tiên nhận vào tháng 6-2015. A350 là có tầm bay 7.500 km, được sử dụng cho các đường bay dài. Nếu bay Hà Nội - Paris, hãng hàng không tiết kiệm được 20 tấn nhiên liệu. “Chúng tôi tự hào khi A350 là loại máy bay thế hệ mới dễ bán nhất, gấp đôi so với siêu phẩm A380” - ông Mike Bausor hồ hởi.
Với thiết kế hiện đại, A350 cũng đem lại nhiều tiện ích hơn cho hành khách. Tận mắt khám phá khoang máy bay A350 đặt tại trụ sở Airbus, chúng tôi dễ dàng cảm nhận được mức độ thoải mái kể cả khi ngồi ở hạng phổ thông vì khoảng cách giữa 2 ghế lên đến 18 inch dù mỗi dãy có đến 9 ghế.
Ở hạng thương gia, ghế ngồi được xếp so le theo hình xương cá, có góc mở rộng hơn, giống một cabin nhỏ và khi cần thiết có thể ngả ghế thẳng 180 độ thành giường nằm. A350 thiết kế sẵn thiết bị để kết nối WiFi đến cả hạng ghế phổ thông. Tùy vào mức độ cung cấp dịch vụ, hãng hàng không sẽ quyết định có cung cấp WiFi trên các chuyến bay của mình hay không.
Đại diện của VNA cho biết sau khi nhận chiếc A350 đầu tiên vào tháng 6-2015, hãng sẽ chính thức khai thác sau 1 tháng trên các đường bay từ Hà Nội - TP HCM đi Narita (Nhật Bản), Frankfurt (Đức), Paris (Pháp) và London (Anh) với 3 hạng ghế: thương gia, phổ thông đặc biệt và phổ thông. Tất cả các chuyến bay nói trên đều cung cấp dịch vụ WiFi cho hành khách. n
Bình luận (0)