Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho Tổng Công ty Hàng không VN (Vietnam Airlines - VNA) thành lập Công ty Cổ phần Hàng không Viet Air trên cơ sở tái cơ cấu công ty bay dịch vụ Vasco. Dự án này đang được VNA chỉnh sửa, hoàn thiện trình Chính phủ phê duyệt.
Nhưng nhiều khả năng VNA không được sử dụng thương hiệu Viet Air cho hãng hàng không mới, vì trước đó, Công ty Cổ phần Hàng không VietJet (VietJet) đã nộp đơn đăng ký bảo hộ độc quyền thương hiệu VietAir.
Đăng ký cùng một thương hiệu
Đầu năm 2007, VietJet có đơn số 24503 đề nghị Cục Sở hữu Công nghiệp (nay là Cục Sở hữu Trí tuệ - SHTT) bảo hộ nhãn hiệu VietAir (viết liền nhau) cho nhóm hàng 39 (dịch vụ vận tải hàng hóa và hành khách bằng đường hàng không) và các dịch vụ khác liên quan đến lĩnh vực hàng không thuộc nhóm 37, 41, 42 và 43.
Trong quá trình xử lý đơn, ngày 25-2-2008, Cục SHTT đã đăng công báo nội dung đơn 24503 trước khi tiến hành thủ tục cấp bằng bảo hộ. Đọc được công báo này, VNA đã có đơn gửi Cục SHTT đề nghị không cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền nhãn hiệu VietAir cho VietJet.
Cơ sở để VNA phản đối là trong thực tế, VNA đã sử dụng thương hiệu Viet Air trên các chuyến bay quốc tế đến Đài Loan liên tục từ năm 1992 đến nay. Chữ Viet Air của VNA gồm hai chữ riêng biệt (có dấu cách), còn chữ VietAir của VietJet đăng ký được viết liền nhau.
Hàng không quốc gia có được ưu tiên?
Theo VNA, mặc dù thương hiệu Viet Air chưa được VNA đăng ký tại VN cho các dịch vụ của mình cung ứng nhưng trong thực tế, nhãn hiệu này đã được sử dụng từ rất lâu tại VN và nước ngoài dưới tên của VNA. Hiện nay, thương hiệu Viet Air vẫn đang được sử dụng trên các chuyến bay đến Đài Loan với tần suất ngày càng tăng tại hai điểm đến Đài Bắc và Cao Hùng.
Như vậy, thương hiệu này đã được VNA sử dụng trước thời điểm VietJet được thành lập (tháng 7-2007). Nếu thương hiệu VietAir được cấp cho VietJet, khả năng gây nhầm lẫn cho các chuyến bay của hai hãng là không thể tránh khỏi.
Nhiều khả năng VNA không được sử dụng thương hiệu Viet Air. Ảnh: TẤN THẠNH
Một chuyên viên của Bộ Khoa học Công nghệ phân tích: Trong trường hợp cả hai đơn vị, cá nhân cùng đề nghị được cấp bằng bảo hộ cho một nhãn hiệu trùng nhau, Cục SHTT sẽ xét đến quyền ưu tiên, quyền đó thuộc về người nộp đơn đầu tiên.
Như vậy, VietJet có lợi thế của người nộp đơn trước. Tuy nhiên, VNA lại có thể phủ quyết vì hãng này trong thực tế đã sử dụng thương hiệu Viet Air. Nếu chứng minh được nhãn hiệu này đã được sử dụng rộng rãi, phổ biến, VNA vẫn có thể giành được thắng lợi.
Có điều, VNA đã hợp tác mở đường bay đến hơn 40 thành phố trên thế giới nhưng mới chỉ sử dụng thương hiệu Viet Air tại một thị trường thì khó chứng minh được tính “sử dụng rộng rãi, phổ biến” của thương hiệu. Trong trường hợp này, theo Luật SHTT, VNA không được xem xét với tư cách là hãng hàng không quốc gia để được ưu tiên sử dụng thương hiệu bắt đầu bằng chữ “Viet”.
Rất khó đặt tên Nếu Cục SHTT cấp bảo hộ thương hiệu VietAir cho VietJet, VNA sẽ không được phép sử dụng thương hiệu Viet Air cho các chuyến bay quốc tế của mình như hiện nay và cũng không thể đặt tên đó cho hãng hàng không mới đang manh nha.
|
Bình luận (0)