Trao đổi với VnExpress, ông Minh cho biết vào ngày 23-4 và 29-4, vợ ông mang khoảng hai tỉ đồng để gửi vào chi nhánh một ngân hàng cổ phần lớn tại Tiền Giang với kỳ hạn một tháng.
Cả hai sổ tiết kiệm này đều đứng tên vợ ông. Tuy nhiên, ngày 1-5, vợ ông Minh bị đột quỵ phải chuyển lên TP HCM cấp cứu. Sau khoảng một tháng, vợ ông đã qua cơn nguy kịch và được chuyển sang bệnh viện khác điều trị tiếp.
Ông cho biết theo kết luận của bệnh viện thì vợ ông hiện đã mất ngôn ngữ toàn bộ, liệt nửa người. Ngoài ra, ông Minh cho rằng não bộ của vợ đang trong tình trạng co lại với nhiều nếp nhăn và phải theo dõi thường xuyên nên chi phí rất lớn.
Ngày 25-5, ông có đến chi nhánh ngân hàng nơi vợ gửi tiền tiết kiệm để xin rút ra lo trang trải chi phí nhưng không được. Theo ông, ban đầu giám đốc chi nhánh của ngân hàng yêu cầu về làm các thủ tục gồm: tờ cam kết do nhà băng đưa và có chứng nhận của ban tư pháp; giấy chứng nhận của bệnh viện nơi vợ ông điều trị; giấy chứng nhận kết hôn cùng chứng minh thư và hộ khẩu của ông.
Sau đó, ngân hàng yêu cầu ông bổ sung thêm các loại giấy chứng minh là người thừa kế duy nhất của vợ nên ông đi làm các loại giấy chứng nhận là cha, mẹ vợ mất và hai vợ chồng không có con, giấy chứng nhận người giám hộ...
Khi đã cung cấp đầy đủ những giấy tờ trên, ông Minh được vị giám đốc hẹn chờ lãnh đạo cấp trên giải quyết. Tuy nhiên, gần hai tuần chưa thấy phản hồi, ông tiếp tục làm đơn cứu xét gửi lên ban giám đốc chi nhánh ngân hàng này. Sau đó, ông nhận được phản hồi bằng văn bản của người đứng đầu chi nhánh ngân hàng yêu cầu cung cấp thêm văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc cử người giám sát người giám hộ và văn bản đồng ý cho rút tiền từ người giám sát này.
Tuy nhiên, ông Minh cho biết quá mệt mỏi với các thủ tục mà phía chi nhánh ngân hàng yêu cầu và không biết làm sao cho đúng để có thể rút số tiền ấy ra sớm nhằm trang trải các khoản nợ mà vợ ông đã mượn trước đó, cũng như các chi phí điều trị cho vợ, trong khi tài chính gia đình đang eo hẹp.
Trao đổi với VnExpress về vấn đề này, đại diện ngân hàng cho biết sau khi tiếp nhận trường hợp của ông Minh, dựa trên phần trình bày cũng như các tài liệu kèm theo của ông này, đồng thời căn cứ vào các điều luật của Bộ Luật Dân sự 2005 liên quan đến giao dịch với người bị mất năng lực hành vi, ngân hàng đã xác định vợ ông Minh có khả năng thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự.
Do đó, các giao dịch liên quan đến tài sản của vợ ông phải được thực hiện thông qua người giám hộ, với các giao dịch lớn thì cần phải có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ cũng như các giấy tờ liên quan đến viện phí để đảm bảo các giao dịch rút tiền tiết kiệm là có thực và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho vợ ông Minh.
Theo ngân hàng, đến nay ông Minh chưa cung cấp được văn bản cử người giám sát người giám hộ và xác nhận của người giám sát người giám hộ đồng ý cho ông rút số tiền của người vợ. Ngoài ra, ngân hàng cũng nhận được đơn xin phong toả thẻ tiết kiệm của vợ ông từ người chị gái vợ ông và đề nghị khi ông Minh muốn rút tiền phải có sự đồng ý của anh, chị, em ruột vợ ông.
Từ những căn cứ trên, ngân hàng này cho rằng yêu cầu rút tiền của ông Minh đối với sổ tiết kiệm thuộc sở hữu của người vợ đến thời điểm này là chưa đáp ứng đầy đủ theo quy định của pháp luật. Toàn bộ số tiền tiết kiệm của vợ ông Minh vẫn đang được ngân hàng quản lý, duy trì tính lãi theo quy định. "Ngân hàng sẽ chi trả cho vợ ông Minh hoặc những người đại diện hợp pháp theo đúng quy định pháp luật và các chứng từ chứng minh hợp pháp có liên quan" - đại diện nhà băng cho biết.
Chia sẻ câu chuyện trên, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, cho rằng nếu đã có quyết định của Tòa án tuyên bố vợ ông Minh mất năng lực hành vi dân sự thì ông sẽ trở thành người giám hộ đương nhiên của vợ. Khi đó, ông được quyền sử dụng tài sản của vợ để chăm sóc, chi dùng cho những nhu cầu cần thiết của vợ ông; đại diện cho bà ấy trong việc xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bà.
"Nhưng việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và các giao dịch khác đối với tài sản có giá trị lớn phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ" - ông Hậu phân tích.
Theo ông Hậu, người giám sát việc giám hộ là người thân thích của người được giám hộ, được cử ra bao gồm vợ, chồng, cha, mẹ, con của người được giám hộ; nếu không có ai trong số những người này thì người thân thích của người được giám hộ là ông, bà, anh ruột, chị ruột, em ruột của người được giám hộ.
Nếu người được giám hộ không có ai trong số những người này thì người thân thích của người được giám hộ là bác, chú, cậu, cô, dì. Ông Minh đã cung cấp chứng cứ chứng minh cha, mẹ của vợ đã mất và con cũng không có thì người giám sát sẽ là đại diện ông, bà, anh ruột, chị ruột, em ruột của vợ ông.
Tuy nhiên hiện nay, Luật sư Hậu cho rằng theo giấy chứng nhận của bệnh viện thì vợ ông Minh đang trong tình trạng tĩnh, mất ngôn ngữ toàn bộ, liệt nửa người nhưng ông chưa cung cấp quyết định của Tòa án tuyên bố vợ bị mất năng lực hành vi dân sự. Do đó, dưới góc độ pháp lý, nếu chưa có quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự của Tòa án thì vợ ông Minh không thuộc trường hợp người được giám hộ.
Vì vậy, theo Luật sư Hậu, phản hồi của ngân hàng về việc ông Minh chưa đủ điều kiện để thực hiện yêu cầu rút tiền là đúng nhưng lý giải chưa chuẩn xác. Ngân hàng phải yêu cầu ông Minh cung cấp thêm quyết định của Toà án tuyên bố vợ mất năng lực hành vi dân sự và yêu cầu ông cung cấp thông tin về người giám sát người giám hộ; xác nhận của người giám sát đồng ý cho ông Minh rút tiền tại ngân hàng.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 58 Bộ luật dân sự 2005, người được giám hộ bao gồm hai nhóm đối tượng sau đây :
Thứ nhất là người chưa thành niên không còn cha, mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Toà án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu
Thứ hai là người mất năng lực hành vi dân sự. Điều 22 Bộ luật Dân sự 2005 quy định, khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định. Và trong trường hợp vợ mất năng lực hành vi dân sự thì chồng đương nhiên là người giám hộ cho vợ (Điều 62 Bộ luật Dân sự 2005).
Bình luận (0)