Ông Diệp Khắc Cường, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển mạng lưới hữu nghị (FNC) - người bị tố có liên quan đến dự án tiền ảo iFan và công ty Modern Tech lừa đảo 15.000 tỉ đồng của nhà đầu tư, khẳng định chưa từng hợp tác với dự án iFan và cũng là nạn nhân trong vụ việc này.
Ông Diệp Khắc Cường cho rằng mình cũng là nạn nhân của vụ việc.
Liên quan đến vụ việc 32.000 nhà đầu tư bị nhóm cổ đông công ty Modern Tech huy động vốn đa cấp tiền ảo iFan lừa đảo, chiếm đoạt 15.000 tỉ đồng, tại buổi gặp gỡ báo chí sáng 11-4, ông Diệp Khắc Cường phủ nhận việc hợp tác với iFan từ đầu mà hai bên chỉ mới ở giai đoạn "tìm hiểu thông tin".
Hiện ông Cường cho biết đã gửi đơn đến cơ quan công an để làm rõ vụ việc.
Trước đó, các nhà đầu tư biết đến ông Cường khi ông xuất hiện trong 2 buổi tổ chức hội thảo giới thiệu, kêu gọi đầu tư của iFan vào tháng 9-2017.
Ông Diệp Khắc Cường nói về mối quan hệ với nhóm dự án iFan
Theo ông Diệp Khắc Cường, từ giữa tháng 9-2017, một nhóm người, trong đó có Vũ Hữu Lợi (được cho là người sáng lập, lãnh đạo dự án iFan) đến tiếp cận công ty ông đặt vấn đề hợp tác, diễn thuyết về vấn đề tiền ảo. Phía ông Cường muốn tạo một ứng dụng thư viện số (app) để cung cấp cho người hâm mộ nền tảng giải trí, bán nội dung giải trí, các dịch vụ liên quan đến nghệ sĩ, ca sỹ… Khi ứng dụng được triển khai, tiền ảo iFan do phía ông Lợi cung cấp sẽ được dùng làm phương tiện thanh toán.
"Tôi nhận lời xuất hiện trên các buổi diễn thuyết với nhà đầu tư là về công nghệ chúng tôi đang làm. Mục đích của việc nói chuyện, thỏa thuận miệng với Vũ Hữu Lợi là phải có vốn đầu tư để chúng tôi triển khai dự án. Nhưng vài ngày sau, khi tôi ở Mỹ thì nhận được thông tin nhóm của Vũ Hữu Lợi đã huy động vốn của nhà đầu tư, lợi dụng uy tín của tôi và công ty FNC để trục lợi. Nhóm này còn dùng hình ảnh của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng để quảng cáo, bán coin" - ông Cường kể.
Nói về việc hợp tác với dự án iFan, ông Cường cho biết chưa từng ký hợp tác, thỏa thuận nào và khi phát hiện việc dùng hình ảnh ca sĩ nổi tiếng đưa lên để bán coin thì quyết định không tiếp tục hợp tác. Ông Cường nói mình đã làm một video clip đăng trên mạng xã hội để cảnh báo, không khuyến khích mọi người tham gia.
Khi phóng viên hỏi: vì sao ông không công bố rộng rãi sớm dấu hiệu bất thường để cảnh báo nhà đầu tư, bởi nhiều nhà đầu tư thấy hình ảnh của ông Cường xuất hiện tại các buổi diễn thuyết và tin tưởng?
Ông Diệp Khắc Cường nói về trách nhiệm của bản thân với các nhà đầu tư iFan
Ông Cường nói: "Tôi suy nghĩ đơn giản, công nghệ, mạng xã hội là kênh phổ biến rộng rãi nhất và tôi đã làm. Tôi cũng kêu gọi người quen không tham gia. Tiếp nữa chúng tôi chưa ký hợp đồng hợp tác, nếu nói không chính xác tôi có thể bị họ kiện ngược. Tôi mới là nạn nhân nặng nhất trong sự vụ này, khi bị ảnh hưởng uy tín với khách hàng và hợp đồng với các đối tác đang làm".
Trước đó, trong đơn tố cáo lừa đảo gửi cơ quan chức năng, một số nhà đầu tư có đề cập đến ông Diệp Khắc Cường, cùng với các cổ đông sáng lập, lãnh đạo Công ty Modern Tech đã dùng thủ đoạn gian dối khi tạo sự tin tưởng, kêu gọi đầu tư vào tiền ảo iFan để huy động vốn đa cấp.
Bằng việc hứa hẹn trả lãi suất lên tới 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng và khi lôi kéo được người mới sẽ nhận thêm hoa hồng 8%, nhóm công ty Modern Tech đã lôi kéo được khoảng 32.000 người tham gia với tổng số tiền huy động khoảng 15.000 tỉ đồng.
Vai trò của ông Vũ Hữu Lợi là chủ đạo
Theo ông Cường, Vũ Hữu Lợi và một nhóm người đã đến gặp ông để trình bày về dự án và mời hợp tác. Bản thân ông biết đến tiếng tăm của ông Lợi khi còn làm ở một số công ty đa cấp nhưng dự án họ trình bày về công nghệ dựa trên nền tảng thật chứ không hẳn nói suông nên được tin tưởng.
Bình luận (0)