“Tôi ở Bình Định vào Bình Dương thuê trọ, làm thợ hồ chục năm rồi nên dành dụm được ít tiền. Nghe nói Bình Dương đang mở bán hàng loạt căn hộ nhà ở xã hội (NƠXH) tại khu Định Hòa (Thủ Dầu Một); căn rẻ nhất giá chỉ hơn 100 triệu đồng. Tôi gọi điện hỏi mua nhưng người bên chủ đầu tư bảo tôi không có việc làm ổn định, không có BHXH nên không được. Tôi buồn quá” - anh Nguyễn Văn Tùng, 34 tuổi, chia sẻ.
Cầu vượt xa cung
Chị Nguyễn Thị Thu Lài (31 tuổi, quê Nghệ An; làm việc tại KCN Việt Nam - Singapore 2 thuộc tỉnh Bình Dương) cho biết chị đã đăng ký tạm trú tại Bình Dương hơn 1 năm, làm việc có hợp đồng lao động, có đóng BHXH nhưng vẫn không mua được NƠXH tại khu nhà Hòa Lợi (TP Mới Bình Dương) do đăng ký quá muộn, hàng ngàn căn nhà ở khu này đã được mua sạch. Chị Lài chia sẻ 2 năm qua, thanh niên quê chị kéo vào Bình Dương xin làm công nhân vì nghe tin tỉnh này xây rất nhiều NƠXH, ai làm công nhân chừng 1 năm là có thể mua. Nhưng khi vào Bình Dương, chị mới biết giấc mơ an cư không dễ đạt được!
Bình Dương triển khai chương trình phát triển NƠXH từ năm 2011. Cũng từ đó, dòng người nhập cư đổ về tỉnh này rất lớn. Đại diện Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết hiện nay, số dân nhập cư vào Bình Dương là 940.000 người (chiếm đến 1/2 dân số toàn tỉnh).
Dân nhập cư “khát” chỗ ở nhưng lượng NƠXH tung ra thị trường quá ít ỏi. Cụ thể tại Bình Dương, đến nay đã có 25 dự án NƠXH hoàn thành, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 40.000 người. Ngoài ra, tỉnh này còn có khoảng 200 doanh nghiệp (DN) trong các khu, cụm công nghiệp cũng đầu tư NƠXH cho người lao động của mình với 47.000 chỗ ở. Như vậy, tổng cộng lượng NƠXH của tỉnh này chỉ mới đáp ứng được cho 87.000 người, chiếm chưa tới 9,3% lượng dân nhập cư.
Đã ít còn chậm!
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ phần lớn công nhân, người lao động chưa mua được NƠXH vì nhiều dự án NƠXH triển khai chậm. Tỉnh Bình Dương từng phát động chương trình phát triển NƠXH giai đoạn 2011-2015. Qua 5 năm triển khai, tỉnh đã thu hút 82 dự án với tổng diện tích khoảng 3,9 triệu m2 sàn nhà ở, đáp ứng cho 240.000 người (nghĩa là giải quyết được chỗ ở cho khoảng 1/4 dân nhập cư). Nhưng đến nay chỉ mới có 25 dự án hoàn thành.
Ngay cả DN “đầu tàu” là Becamex IDC cũng chưa hoàn thành kế hoạch. Cụ thể, theo đề án xây dựng nhà ở an sinh xã hội Becamex được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt năm 2011 thì đến năm 2015, chủ đầu tư này phải xây dựng hàng chục ngàn NƠXH nhưng đến nay chỉ mới hoàn thành khoảng 5.000 căn.
Ông Nguyễn Thành Tài, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, cho biết tiến độ xây dựng NƠXH trên địa bàn tỉnh chậm là do trình tự thủ tục thực hiện một dự án bắt buộc phải qua hàng loạt khâu; việc vay vốn ngân hàng để đầu tư các dự án NƠXH còn khó khăn.
“Đa số nhà đầu tư không đáp ứng được các tiêu chí do ngân hàng đưa ra, thủ tục vay phải trải qua nhiều cơ quan xét duyệt, hiệu quả thu hồi vốn của dự án thấp, kéo dài... nên DN chưa mặn mà trong việc vay vốn để thực hiện dự án NƠXH”- ông Tài nói.
Ngoài ra, mức giá NƠXH phải được cơ quan nhà nước xét duyệt, vì vậy, chủ đầu tư phải đắn đo, tính toán rất kỹ để làm sao chất lượng nhà bảo đảm mà giá thành sản phẩm giảm.
Đại diện một DN tại Bình Dương cho hay NƠXH hiện nay tại Bình Dương rất thiếu nhưng không phải xây ra là đắt khách. “Nếu không nghiên cứu kỹ mà đầu tư xây NƠXH đồng loạt thì rất dễ bị lỗ vốn. Phần vì giá bán phải thấp, phần vì đối tượng được mua NƠXH bị Luật Nhà ở ràng buộc. Thực tế thì NƠXH chủ yếu bán cho công nhân, viên chức,... những người có việc làm ổn định, còn một lượng người nhập cư rất lớn chuyên lao động tự do như thợ hồ, buôn bán nhỏ,... không thuộc đối tượng mua. Vì vậy, nếu chúng tôi đầu tư xây NƠXH xa khu công nhân rất dễ thất thu”.
Liên quan đến băn khoăn này của DN, Sở Xây dựng Bình Dương cho biết đã tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị trung ương tạo điều kiện cho người lao động tự do (đã đăng ký tạm trú trên 1 năm, không có hợp đồng lao động, BHXH) được hưởng hỗ trợ mua NƠXH giống như công nhân, cán bộ công chức, sinh viên, quân nhân...
Nhà trọ chiếm ưu thế!
Do NƠXH khan hiếm nên nhà trọ vẫn là chốn tá túc của phần lớn người nhập cư. Hiện Bình Dương có trên 3 triệu m2 sàn nhà trọ do các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng, tương đương khoảng 180.000 căn, đáp ứng cho 540.000 người là công nhân lao động, sinh viên và người thu nhập thấp thuê.
Dù UBND tỉnh Bình Dương có nhiều chính sách hỗ trợ công nhân sống tại các khu trọ nhưng thực tế không ít nơi công nhân còn sống trong cảnh ngột ngạt, xập xệ, bịt bùng, bị mùi hôi thối từ kênh rạch tấn công. Chưa kể giá nhà trọ, giá điện giá nước leo thang liên tục.
Bình luận (0)