Chiều 30-10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chủ trì họp với các đơn vị liên quan để nghe báo cáo về việc kiểm tra và xử lý vụ vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa của sản phẩm khăn lụa Khaisilk.
Các cửa hàng Khaisilk ở TP HCM đã ngưng hoạt động Ảnh: Hoàng Triều
Thông tin với báo chí sau cuộc họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu Cục QLTT chỉ đạo đơn vị chức năng ra quyết định chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự sang Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an TP Hà Nội) đối với cơ sở kinh doanh hàng dệt may do bà Nguyễn Thu Nga là chủ hộ kinh doanh, địa chỉ 113 Hàng Gai (Hà Nội) để điều tra, xử lý theo quy định.
Trong đó, đề nghị cơ quan điều tra giám định chất lượng của các sản phẩm lụa gắn mác Khaisilk bị thu giữ vừa qua tại cửa hàng 113 Hàng Gai. Qua đó, sẽ làm rõ những sai phạm về chất lượng, chỉ dẫn địa lý hàng hóa cũng như xuất xứ hàng hóa để xác định mức độ sai phạm để củng cố cơ sở điều tra đối với vụ việc bán hàng giả nhãn mác của cửa hàng 113 Hàng Gai.
Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, làm rõ những vấn đề liên quan đến dấu hiệu vi phạm về nhãn mác, xuất xứ hàng hóa của sản phẩm khăn lụa Khaisilk.
Trước đó, sáng cùng ngày, bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Dương Trung Quốc bày tỏ sự thất vọng đối với vụ việc cửa hàng tại Hà Nội của Tập đoàn Khaisilk bán khăn vừa có mác "Khaisilk - Made in Vietnam" vừa có mác "Made in China". "Nghe tin tôi sốc vì mình có niềm tin vào một số thương hiệu, nhất là thương hiệu gắn với giá trị truyền thống dân tộc, trong đó có Khaisilk" - ông Quốc nói.
Theo ĐBQH này, chuyện cửa hàng Khaisilk ở 113 Hàng Gai giải thích nguyên nhân vụ việc do nhân viên cửa hàng tự ý mua sản phẩm khăn lụa tơ tằm trên thị trường về cắt bỏ nhãn gốc "Made in China" sau đó khâu nhãn "Khaisilk - Made in Vietnam" để bán cho khách hàng "không khác gì câu chuyện cái gì cũng đổ cho... cậu đánh máy".
"Dù muốn giải thích thế nào, dù cho là đổ cho cấp dưới thì cũng không chấp nhận được. Nó không tương xứng với danh hiệu, thương hiệu. Ở đây, phải nhìn nhận theo tỉ lệ nghịch, tức là thương hiệu càng lớn thì lỗi lầm càng lớn và phải bị xử lý càng nặng. Ông chủ là người phải chịu trách nhiệm cao nhất" - ĐBQH Dương Trung Quốc nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng không chỉ dừng lại ở việc gây thiệt hại cho những người mua khăn, hành vi gắn mác sai lệch này còn gây tác động dài hạn, lớn hơn là gây mất lòng tin của người tiêu dùng vào những nhãn mác gắn trên sản phẩm, hàng hóa, từ đó làm thui chột những doanh nghiệp chân chính đang nỗ lực kinh doanh.
Không chấp nhận làm ăn gian dối
Tại cuộc họp định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2017, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu Sở Công Thương báo cáo vụ vi phạm của Khaisilk.
Giám đốc Sở Công Thương Phạm Thành Kiên cho biết Khaisilk có 3 điểm bán hàng tại trung tâm TP. Ngoài ra, 4 nhà hàng Khaisilk có trưng bày hàng ở quận 3 và quận 7. "Đây là hành vi không tôn trọng người tiêu dùng trong nhiều năm liền. TP sẽ phối hợp chặt chẽ với Hà Nội kiểm tra, làm rõ và cương quyết xử lý vi phạm" - ông Kiên khẳng định.
Ông Phong cho rằng TP không chấp nhận những doanh nghiệp thiếu đạo đức kinh doanh, thiếu văn hóa, thiếu tôn trọng người tiêu dùng, làm ăn gian dối và yêu cầu kiểm tra, xử lý nghiêm, không để tình trạng buôn bán hàng gian, hàng giả trên địa bàn.
Trao đổi thêm về vụ Khaisilk, Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan đánh giá đây là vụ lớn, là con "cá mập" vừa bị phát hiện. "TP chưa đủ thẩm quyền xử lý vụ này mà chỉ tham gia hỗ trợ để xử lý. Còn thuế, gian lận thương mại thì cơ quan trung ương sẽ xem xét và có ý kiến. TP sẽ tham gia hỗ trợ các cơ quan trung ương kiểm tra, tổng hợp tình hình kinh doanh của Khaisilk trên địa bàn" - ông Hoan nhấn mạnh. P.Anh
Bình luận (0)