Ngày 14-11, tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), cho biết cơ quan hải quan đã vào cuộc kiểm tra, xác minh sau thông tin thương hiệu thời trang Seven.Am nhập hàng Trung Quốc, sau đó cắt nhãn mác trên sản phẩm để thay thế bằng nhãn mác "Made in Viet Nam".
Theo ông Âu Anh Tuấn, vụ việc nghi vấn thương hiệu thời trang Seven.Am gian lận xuất xứ hiện do Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) làm đầu mối điều tra, xác minh, song phía Tổng cục Hải quan đã có Cục Điều tra chống buôn lậu vào cuộc ở những phạm vi do ngành hải quan quản lý.
Sản phẩm thời trang Senven.Am có dấu hiệu cắt bỏ nhãn mác Trung Quốc để thay thế bằng nhãn mác Made in Viet Nam
Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan cho hay qua rà soát bước đầu ghi nhận doanh nghiệp này chỉ mở 1 tờ khai nhập hàng từ Trung Quốc về Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng hàng hóa của Seven.Am là rất lớn, ngay cả thời điểm lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, niêm phong cũng rất nhiều.
Từ đó, ông Âu Anh Tuấn đặt nghi vấn hàng hóa mà mà Seven.Am nhập về không đi qua đường chính ngạch mà bằng con đường khác. Chính vì vậy, Cục Điều tra chống buôn lậu đang làm rõ vấn đề này để đưa ra kết luận cuối cùng.
Trước đó, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 14 thuộc Cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra 5 điểm kinh doanh thương hiệu thời trang Seven.Am trên địa bàn Hà Nội sau khi có phản ánh từ báo chí về thương hiệu thời trang Seven.Am có nhập thêm hàng Trung Quốc, thay đổi nhãn mác từ Trung Quốc thành "Made in Vietnam" trên một số sản phẩm khăn, quần áo và đồ lót.
Lực lượng QLTT đã niêm phong toàn bộ hàng hóa ở các cửa hàng của Senven.Am để làm rõ các vi phạm liên quan
Đội QLTT số 14 chia thành 5 tổ kiểm tra 5 địa điểm kinh doanh Thương hiệu thời trang Seven.Am ở đường Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa), Kim Đồng (quận Hai Bà Trưng), Thái Hà (quận Đống Đa), Trần Phú (quận Hà Đông).
Tại thời điểm kiểm tra, chủ các cửa hàng kinh doanh đều không xuất trình được đầy đủ hoá đơn chứng minh nguồn gốc hàng hoá. Đồng thời, chưa công bố hợp quy cho sản phẩm để đưa ra lưu thông theo quy định. Chính vì vậy, Đội QLTT số 14 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ 9.035 sản phẩm để điều tra, làm rõ.
Bên cạnh đó, Đội QLTT số 14 đã tiến hành lấy 3 mẫu sản phẩm để giám định chất lượng.
Bình luận (0)