Rong nho được ví là "trứng cá hồi xanh" của Nhật Bản, ít ai ngờ loại rong nho xứ "mặt trời mọc" này lại bén duyên ở Việt Nam và được một giám đốc trẻ 8X ở Khánh Hòa nghiên cứu ra quy trình nuôi rong nho sạch ứng dụng vào thực tế, tạo ra sản phẩm vượt qua mọi quy chuẩn khắt khe để xuất khẩu ngược về Nhật Bản.
Lời giải bài toán kinh tế - môi trường
Đến thăm xưởng chế biến rong nho lớn nhất Việt Nam, chúng tôi choáng ngợp vì quy mô đầu tư của ông chủ 8x này. Rong nho được nuôi ở hàng chục bể lớn, được phun sương, sục nước liên tục. Hàng chục công nhân được chia ra các bể chăm sóc, vớt rong vào sơ chế. Tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Quang Duy (SN 1980, Tổng Giám đốc Công ty D&T), cho biết khu vực này chỉ là công đoạn gần cuối cùng. Ông còn các trang trại trồng rong nho ở Ninh Hòa, Cam Ranh (Khánh Hòa), Ninh Thuận, Phú Yên… Tổng diện tích nuôi đến nay hơn 55 ha.
Cuối năm 2020, khi được chứng nhận kỷ lục đơn vị có diện tích nuôi trồng và sản lượng rong nho Nhật Bản lớn nhất Việt Nam, Công ty D&T đã nuôi trồng được trên 45 ha rong nho ở Ninh Hòa; sản lượng thu hoạch 7 tấn/ngày, trên 2.500 tấn/năm. Vùng nuôi dưỡng rong nho đã được các chuyên gia Nhật Bản kiểm tra, công nhận là vùng cho ra sản phẩm rong nho có giá trị và chất lượng cao. Nhà máy chế biến và đóng gói với diện tích hơn 8.000 m2, đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu sang nước ngoài (HACCP, ISO, FDA…).
Rong nho (tên khoa học: Caulerpa lentillifera) du nhập từ Nhật Bản vào nước ta từ năm 2004, khi đó Viện Hải dương học (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đã có những nghiên cứu đầu tiên về đặc tính sinh học và kỹ thuật nuôi trồng rong nho biển trong phòng thí nghiệm. Đến giai đoạn 2014, Viện Hải dương học, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III nghiên cứu thành công quy trình trồng rong nho và được chuyển giao kỹ thuật để phát triển, trồng đại trà.
Trong các nghiên cứu của mình, TS Nguyễn Hữu Đại (Viện Hải dương học), cho thấy rong nho rất giàu vitamin A, C (lần lượt 0,5185 và 1,618 mg/kg rong tươi) và các nguyên tố vi lượng cần thiết, hàm lượng Iod rất cao (19,0790 mg/kg) do đó có thể được nghiên cứu để sử dụng như một loại thực phẩm chức năng. Do đặc điểm hấp thu rất nhanh các muối dinh dưỡng, ưu tiên hấp thu ammonia trước tiên cho nên rong nho còn có khả năng được sử dụng cho các mô hình nuôi thủy sản theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường và gia tăng thu nhập cho cộng đồng. Rong nho có thể tận dụng để nuôi ở các diện tích nuôi tôm bỏ hoang, phù hợp vùng nhiễm mặn cao.
Từ nghiên cứu đến vận động triển khai nuôi trồng, tìm đầu ra cho sản phẩm, tạo thu nhập ổn định cho người lao động… là những bài toán hóc búa. Nhiều địa phương đã áp dụng việc nuôi trồng rong nho vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Vậy nhưng, ở Khánh Hòa có những người dám cầm cố tài sản lớn để đầu tư cho sản vật này. Một trong số đó là ông Nguyễn Quang Duy.
Hành trình của "vua" rong nho
Kể về cơ duyên của mình, ông Duy cho biết trước đây là quản lý của một công ty dược có tiếng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa nên khi tiếp cận các sản vật mang dược tính cao, ông rất mê. "Tình cờ đọc được các tài liệu về rong nho, tôi đã ấp ủ mong muốn đưa các sản vật của Khánh Hòa phục vụ sức khỏe, đời sống người dân" - ông Duy nhớ lại.
Nghĩ là làm, năm 2012, ông Duy đầu tư thử nghiệm 3.000 m2 rồi lên 30.000 m2 với sản lượng khoảng 2,5 tấn/ha ở Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa). Khó khăn đầu tiên là người dân trong nước gần như chưa biết đến rong nho nên kinh doanh thua lỗ vì sản lượng thấp và đầu ra nhỏ giọt.
Một trong những cơ sở sản xuất rong nho của ông Nguyễn Quang Duy
Ông Nguyễn Quang Duy giới thiệu sản phẩm tươi tại cơ sở nuôi trồng rong nho của mình
Sản phẩm rong nho tách nước theo quy trình riêng mà Công ty D&T nghiên cứu ứng dụng
Đến năm 2014, đoàn chuyên gia người Nhật Bản đến vùng nuôi Ninh Hải để thăm và kiểm nghiệm (theo chương trình hợp tác). Họ đánh giá rong nho tại Ninh Hải có chất lượng, thậm chí còn tốt hơn "thủ phủ" rong nho thế giới là Okinawa của Nhật Bản, vì vậy, phía Nhật Bản đề nghị xuất khẩu ngược sang chính đất nước Nhật Bản.
"Tôi nhớ mãi lần đầu đưa lô hàng khoảng 1 tỉ đồng qua Nhật Bản, Trung Quốc bị đối tác trả về và hủy toàn bộ sản phẩm. Để vượt qua khó khăn, căn nhà của gia đình tôi cũng phải cầm cố ngân hàng để tiếp tục duy trì sản xuất. Tôi phải qua tận Nhật Bản để học tập kinh nghiệm và tìm hiểu quy trình, để bảo đảm tiêu chuẩn khắt khe của thị trường này" - ông Duy kể.
Đến năm 2021, Công ty D&T đã xuất khẩu sang 2 thị trường chính là Nhật Bản và Mỹ với trung bình 40 tấn rong nho/tháng, tháng cao điểm lên đến 120 tấn. Dù đã có tiếng ở nước ngoài nhưng ông Duy rất mong sản phẩm chất lượng này được phục vụ người Việt. Thị trường nội địa thực sự bùng nổ khi ngành du lịch phát triển mạnh vào giai đoạn nửa cuối 2018.
Khách quốc tế đến Việt Nam, nhất là Nha Trang (Khánh Hòa) rất nhiều, du khách nước ngoài rất mê rong nho, tiêu thụ rất nhiều ở nhà hàng và tìm mua ở siêu thị vì giá rẻ hơn nơi quốc gia họ sinh sống. Nhằm tạo thói quen cho người dân Việt Nam, năm 2019, Công ty D&T đưa ra thị trường nội địa 40 tấn rong nho /tháng, tương đương lượng hàng xuất khẩu.
Bí quyết làm rong sạch, bảo quản lâu
Trong các nghiên cứu của mình, TS Nguyễn Hữu Đại cho biết môi trường nuôi rong không sử dụng hóa chất và trong quá trình xử lý rong thành phẩm, có thể kiểm soát chất lượng rong để đạt các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm. Đây là một loại rau sạch; điều kỳ diệu, ưu việt hơn so với rau xanh là chúng có thể được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ bình thường, kín trong khoảng 10-15 ngày mà vẫn giữ trạng thái sống bình thường.
Theo ông Duy, rong nho là nông sản rất mới nên không có một tiêu chuẩn nuôi, tiêu chuẩn chế biến thực phẩm, chủ yếu là quản lý về hàm lượng và an toàn thực phẩm. Tại Nhật Bản, rong được để thành từng bọc nhỏ với 80% nước muối, 20% rong nho. Công ty D&T đã kết hợp với các giáo sư, tiến sĩ Trường ĐH Bách khoa TP HCM, ĐH Nha Trang và các viện nghiên cứu để cho ra quy trình sản xuất rong nho tách nước khác biệt. Từ đó, một túi rong nho 100 g thì có 80 g rong nho và chỉ 20 g nước muối.
Tuy thế, vấn đề "đau đầu" nhất đối với người nuôi rong nho sạch là thời gian bảo quản rất ngắn, thông thường chỉ 2,3 tháng. Ông Duy rất bất ngờ khi tình cờ mở một sản phẩm trưng bày gần 1 năm nhưng rong vẫn như mới đạt chất lượng. Chia sẻ bí quyết, ông Duy cho biết để bảo quản lâu dài không gì khác là phải hạn chế tạp chất và vi khuẩn.
Công ty đã đúc rút ra quy trình sản xuất riêng, đó là quá trình lựa chọn địa điểm nuôi giống, môi trường nước phải mặn trên 35 phần ngàn, phải sạch… Tiếp đó là kỹ thuật nuôi phải chuẩn hóa, đúng quy trình nuôi tại trang trại. Sau khi rong đủ kích cỡ xuất khẩu sẽ tiếp tục nuôi cơ học trong các hồ nuôi tại nhà xưởng để rong đạt chất lượng tốt nhất.
"Tại các hồ nuôi, chúng tôi sử dụng nước biển sâu trên 5 m rồi qua hệ thống lọc lắng RO và than hoạt tính, qua 5 công đoạn khác nhau để loại bỏ các vi khuẩn có hại và giữ lại các vi khuẩn có lợi. Vậy nên sản phẩm cuối cùng chúng tôi làm ra đã sạch từ trước. Từ đó chất lượng và thời gian bảo quản rất lâu" - ông Duy nói.
Kêu gọi người dân tham gia
Ông Duy cho biết 1 ha rong nho người dân đầu tư khoảng 300 triệu đồng với lưới nuôi sử dụng 2 năm. Mỗi năm có thể lời hơn 350 triệu đồng, sau khi trừ chi phí. Mức thu nhập này không cao bằng nuôi ốc hương, tôm thẻ, tôm hùm nhưng ổn định đầu ra do không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc như các loại thủy sản khác. Công ty sẵn sàng cùng bà con nông dân tham gia, công ty hỗ trợ kỹ thuật, giống và thu mua sản phẩm. Đến nay, công ty đã hợp tác với người dân với diện tích khoảng 80 ha và vẫn đang tiếp tục mời nông dân tham gia.
Bình luận (0)