“Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở Hậu Giang. Hồi nhỏ, tôi thường theo mẹ đi chợ. Vào những mùa mưa, hình ảnh các tiểu thương ngồi co rúm trong ngôi chợ dột nát và đầy nước để buôn bán đã in sâu vào ký ức tôi. Khi ấy, tôi đã ao ước phải chi có được ngôi chợ khang trang cho họ” - ông Bé Hai nhớ lại.
Ông Dương Văn Bé Hai bên ngôi chợ Xuân Khánh dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán . Ảnh: Duy Nhân
Sau khi tốt nghiệp ĐH, Bé Hai làm việc tại TPHCM nhưng tâm trí vẫn hướng về vùng đất ĐBSCL còn lắm khó khăn. Đến năm 2003, Bé Hai quyết định về Cần Thơ tìm hướng đầu tư.
Khi Nhà nước cho phép tư nhân được đầu tư xây dựng và khai thác chợ, ông đã mày mò tìm tòi, học hỏi khắp nơi để tích lũy kinh nghiệm.
Rồi Bé Hai góp cổ phần và kinh nghiệm của mình để cùng với Công ty CP Đầu tư - Xây dựng TP Cần Thơ xây một số ngôi chợ tầm cỡ ở ĐBSCL, như An Bình (quận Ninh Kiều - TP Cần Thơ), An Hòa (quận Ninh Kiều), Vị Thanh (thị xã Vị Thanh - tỉnh Hậu Giang)...
Năm 2009, Bé Hai tách ra thành lập Công ty CP Đầu tư Chợ Cửu Long chuyên xây dựng và khai thác chợ. Ngay trong năm đó, ông bắt tay nâng cấp, sửa chữa chợ trung tâm thị xã Ngã Bảy - tỉnh Hậu Giang với vốn đầu tư gần 5 tỉ đồng.
Hiện ông tiếp tục đầu tư xây dựng hàng loạt ngôi chợ lớn ở trung tâm TP Cần Thơ: Xuân Khánh (quận Ninh Kiều), An Thới (quận Bình Thủy) và Ô Môn (quận Ô Môn) với tổng mức đầu tư khoảng 50 tỉ đồng.
Bé Hai từng thổ lộ: “Xây chợ cũng như xây chùa, phải thật tâm thì mới thành công”. Vì vậy, ông đã không ít lần mạnh dạn từ chối những đòi hỏi tư lợi và xin chỗ của một số quan chức địa phương. Ông tự đặt ra cho mình một loạt tiêu chí khắt khe mỗi khi xây chợ, như: văn minh, trật tự, an ninh, vệ sinh, an toàn...
Sau khi cải tạo, xây mới chợ, Bé Hai còn kiến nghị chính quyền miễn giảm thuế cho tiểu thương. Bởi theo ông, miễn giảm thuế cũng nhằm thúc đẩy phát triển mà Nhà nước không hề bị thiệt.
Mấy tháng nay, Bé Hai phải sống trong búa rìu dư luận từ nhiều phía khi nhận cải tạo khu chợ lâu đời và chật chội bậc nhất ở trung tâm TP Cần Thơ là chợ Xuân Khánh.
Không chỉ có tiểu thương nổi giận vì phải chuyển ra chợ tạm bán, người dân sống quanh khu chợ tạm cũng phẫn nộ nên đã nhiều lần tìm đến tận công ty để hét thẳng vào mặt Bé Hai. Ông vẫn bình thản lắng nghe, đến khi người ta trút xong cơn giận thì mới từ tốn giải thích cho họ hiểu mà vui vẻ ra về.
Nhiều người hỏi Bé Hai bỏ hàng chục tỉ đồng đầu tư chợ để thu tiền cắc hằng ngày nhưng lại thường xuyên vấp phải sự phản ứng của dư luận thì hấp lực kinh doanh ở đâu?
Ông tâm sự: “Tôi hoàn toàn có thể đầu tư xây siêu thị hay trung tâm thương mại lớn nhưng vẫn thích xây chợ hơn vì có thể giúp được hàng trăm, hàng ngàn tiểu thương buôn bán kiếm sống.
Điều đó khiến tôi cảm thấy hạnh phúc”. Còn một điều nữa khiến Bé Hai tâm huyết với việc xây chợ là ký ức tuổi thơ nghèo khó.
Bé Hai chia sẻ: “Hồi đó nhà tôi nghèo khó quá, phải ra TP Cần Thơ sống nương nhờ bà nội. Hằng ngày, bà bán cá ở chợ Tham Tướng để nuôi tôi khôn lớn, thoát khỏi thân phận chăn trâu, giữ vịt. Vậy nên khi xây xong chợ Xuân Khánh trước Tết năm nay, tôi sẽ xin ý kiến UBND TP Cần Thơ để đổi lại tên là Tham Tướng như trước”.
Bé Hai hiện đang sinh sống cùng gia đình tại TPHCM nhưng ông chọn ĐBSCL để đầu tư chợ. Ngay cả cái tên Công ty CP Đầu tư Chợ Cửu Long cũng đã phần nào cho thấy tâm huyết của “vua” xây chợ đối với vùng đất chín rồng.
Bình luận (0)