TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia:
Đừng trông chờ vào nhà nước bảo hộ!
Câu chuyện doanh nghiệp (DN) xuất khẩu trong nước yếu kém về năng lực cạnh tranh, quản trị kém so với DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã được đề cập nhiều.
Ngay tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân vừa diễn ra, các nhà khoa học và chuyên gia kinh tế cũng mổ xẻ nhiều vấn đề này, phải làm sao thúc đẩy, vực DN trong nước lên chứ không phải kéo DN FDI xuống cho bằng mình. Thực tế, hiện nay phải xem lại trong câu chuyện này, bản thân DN còn vấn đề gì cần hỗ trợ, các cơ chế nhà nước cũng đã thay đổi, tiến triển nhiều theo hướng hỗ trợ DN.
Lâu nay, DN FDI thường có lợi thế hơn như chi phí tài chính thấp do lãi suất ở nước ngoài thấp, không dựa nhiều vào vốn vay. Họ lại có thị trường ổn định, phần lớn được hỗ trợ bởi công ty mẹ ở nước ngoài. Tuy nhiên, vẫn có những DN xuất khẩu trong nước ngành da giày, dệt may phát triển tốt...
Nếu DN nào không dựa quá nhiều vào vốn vay, có tài chính và quản trị tốt vẫn tăng trưởng cao. Theo tôi, có khoảng 30% DN trong nước đang hoạt động và tăng trưởng tốt nhưng số lượng DN này không bù đắp nổi lượng DN phá sản hoặc ngừng hoạt động.
Do đó, DN FDI chiếm tỉ trọng lớn là bình thường. Câu chuyện lúc này là phải vực dậy DN trong nước nhưng đến nay, công nghiệp hỗ trợ lại quá chậm và nếu có ban hành cũng cần thời gian chứ không tác động ngay tức thời.
Nhiều DN than phiền lãi suất cao nhưng đây là thị trường và chúng ta phải theo quy luật của nó, vẫn có những DN được các ngân hàng chào mời lãi suất 6%-7%/năm nhưng họ không vay. Ngược lại, nhiều DN muốn vay lãi suất 9%-10%/năm nhưng ngân hàng lại không mặn mà. Vậy bản thân DN phải xem lại mình? Một vướng mắc liên quan đến lãi suất có lẽ là lãi suất trung - dài hạn vẫn còn cao nhưng cũng không phải tất cả.
Chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển:
Phải phát triển theo chiều sâu
Một nền kinh tế dù hướng đến xuất khẩu nhưng phải phát triển bền vững từ DN nội địa, DN xuất khẩu trong nước bởi chính họ mới tạo ra giá trị gia tăng được giữ lại gần hết, còn DN FDI dù làm tốt hơn nhưng họ sẽ chuyển tiền về nước và thực tế giá trị gia tăng đem lại cho nền kinh tế nước bản địa không nhiều.
Giá trị gia tăng mới quyết định sự tăng trưởng của nền kinh tế và Hàn Quốc, Đài Loan... là những minh chứng cụ thể. Thống kê gần đây cho thấy xuất khẩu tăng trưởng đều đặn hai con số mỗi năm nhưng lại theo chiều hướng không mong muốn: Xuất khẩu trong nước teo tóp, còn xuất khẩu của khối FDI lại tăng trưởng nhanh.
Nếu nhìn góc độ vi mô, khi Việt Nam hội nhập với hàng loạt FTA đã và đang đàm phán, DN không nên lo sợ bởi thực tế chứng minh thời điểm chúng ta gia nhập WTO đã có những DN tăng quy mô, sức cạnh tranh...
Khi DN hoạt động trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh quốc tế sẽ mang lại nhiều cơ hội nhưng phải thay đổi cách quản trị mà yếu tố đầu tiên là từ con người. Chẳng hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam đã ra đời được 15 năm nhưng đa số DN vẫn hoạt động theo quy mô gia đình, không tách chủ sở hữu và người quản trị, đây là mấu chốt khiến DN khó phát triển thành công ty quy mô lớn.
Phải thay đổi về chất, thay đổi cơ chế quản lý theo hướng hiện đại mới có khả năng trở thành những Samsung, Hyundai... của Việt Nam.
Nếu nhìn dưới góc độ huy động vốn của DN, thị trường chứng khoán của chúng ta dù chưa lớn nhưng vẫn có nhiều DN huy động được hàng trăm tỉ đồng, thậm chí ngàn tỉ đồng.
Ở nước ngoài, DN chỉ cần huy động vài triệu USD (vài chục tỉ đồng) là có thể làm nên chuyện. Nói như thế để thấy nhiều DN có trong tay cả ngàn tỉ đồng nhưng do không đi vào cốt lõi, phát triển theo chiều sâu nâng chất lượng quản trị mà chọn phát triển theo chiều rộng, dựa vào vốn vay ngân hàng...
Đây là hệ quả của doanh nhân Việt Nam thời kỳ đầu, lúc hàng hóa còn thiếu thốn nhưng nay hội nhập sâu nên phương thức này đã không còn phù hợp. Đã đến lúc DN phải thay đổi, tập trung phát triển theo chiều sâu mới mong cạnh tranh được trên thị trường quốc tế.
ÔNG PHẠM NGỌC HƯNG, PHÓ CHỦ TỊCH HIỆP HỘI DN TP HCM:
Nguy cơ thua trên sân nhà
Con số thống kê về tỉ trọng xuất khẩu của khối FDI so với DN trong nước là đáng lo ngại, hệ quả của một thời gian dài chúng ta đặt vấn đề phát triển nền kinh tế gia công là chính. Xuất khẩu chủ yếu là gia công chứ không phải FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm). Khi gia công, chúng ta sẽ phụ thuộc vào đối tác nhập khẩu từ khâu mua nguyên liệu, đầu ra...
DN trong nước chỉ lo sản xuất đúng tiêu chuẩn. Khi đó, con số công bố bao nhiêu kim ngạch xuất khẩu hàng chục tỉ USD nhưng thực chất giá trị gia tăng đem lại rất thấp. DN chủ yếu phát triển dựa vào gia công nên cũng chỉ đầu tư máy móc công nghệ ở mức vừa phải, dựa vào đối tác nên chuyện tạo ra thương hiệu riêng để cạnh tranh với thế giới là rất khó. Nay, Việt Nam hội nhập sâu bằng hàng loạt các FTA khiến DN trong nước bước vào cuộc cạnh tranh thật sự nhưng chúng ta lại không có nhiều sản phẩm chủ lực, nhiều thương hiệu đủ sức cạnh tranh...
Nếu không thay đổi ngay từ bây giờ, nguy cơ DN Việt thua trên thị trường thế giới và cả sân nhà. Như lĩnh vực dệt may, các DN FTA đang ồ ạt đổ vào Việt Nam xây dựng nhà máy dệt nhuộm, kéo sợi... để hưởng lợi thế về thuế suất ưu đãi, thậm chí mạnh dạn đầu tư hơn cả Tập đoàn Dệt may Việt Nam! Nếu không khéo, nền kinh tế trong nước sẽ tiếp tục thành một đại công trường gia công.
Dưới góc độ DN, nếu DN không nhanh chóng thay đổi những sản phẩm có chất lượng và ổn định thì sẽ không thể có chỗ trên chính sân nhà mình.
Ông Đặng Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hội mỹ nghệ chế biến gỗ TP HCM:
Tập trung đổi mới công nghệ
Lâu nay, DN xuất khẩu gỗ vẫn làm theo đơn đặt hàng của các nước nhưng gần đây, chúng ta đang có lợi thế là ngay các tập đoàn lớn như Walmart cũng bắt đầu đặt hàng trực tiếp cho DN Việt. Khâu trung gian nhờ vậy được rút ngắn và lợi nhuận đem lại cho DN có khá hơn. Lãi suất ngân hàng giảm cũng giúp DN gỗ có điều kiện phát triển và cơ hội còn nhiều trong tương lai.
Hiện nhiều đơn hàng của các tập đoàn lớn từ Nhật, Trung Quốc chuyển về Việt Nam, ngay bản thân DN Trung Quốc cũng đặt hàng DN Việt do giá nhân công của nước này quá cao. Trung Quốc là nước xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất thế giới nhưng gần đây, chi phí nhân công của nước này tăng cao. Hiện lương công nhân Trung Quốc hơn 3.500 nhân dân tệ (khoảng 12 triệu đồng), trong khi Việt Nam lương khoảng 5-6 triệu nên chúng ta có lợi thế cạnh tranh hơn.
Giờ muốn nâng giá trị gia tăng cho ngành gỗ xuất khẩu, các DN cần tự chủ về mẫu mã. Chẳng hạn, khách hàng nhập khẩu đặt một mẫu đã có sẵn thì rất khó tăng giá nhưng nếu hàng do mình thiết kế thì giá sẽ do mình quyết định. Bản thân DN phải tự nghiên cứu, thiết kế và đưa ra giá chào hàng mới được lợi nhuận cao. Đồng thời, muốn giữ thế cạnh tranh, DN phải đầu tư vào công nghệ nhưng không dễ bởi vốn ở đâu? Nếu không có sự hỗ trợ dài hơi của nhà nước bằng những chính sách ưu đãi về vốn, DN chỉ có thể mua sắm những máy móc vừa túi tiền, khả năng cạnh tranh sẽ hạn chế so với DN FDI có tài chính mạnh, công nghệ cao...
Bình luận (0)